Trong thời gian qua, các chủ nhãn hàng đã lợi dụng Luật Quảng cáo còn nhiều kẽ hở để nâng giá trị sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị thực, làm cho người tiêu dùng lầm tưởng khi mua và sử dụng sản phẩm. Hiện nay trong nhiều nhà bếp của người nội trợ đều có gia vị K., đây là loại gia vị được quảng cáo rầm rộ trong “khung giờ vàng” của truyền hình với những câu hát thật dễ nhớ cộng với hình ảnh sinh động.
Cũng chính từ những đoạn quảng cáo hấp dẫn này nên không ít người tin tưởng khi nấu canh hoặc nấu cháo chỉ cần dùng hạt nêm này là đủ, bởi vì trong đó đã có “thịt thăn và xương ống”. Nhưng họ sẽ ngỡ ngàng biết bao khi xem thành phần cấu tạo nên hạt nêm K. chỉ có 2% từ thịt thăn và xương ống, thành phần chính còn lại từ muối và chất điều vị. Sở dĩ tình trạng “đánh lừa” vẫn còn “xài” được là do thói quen tiếp nhận thông tin một chiều của người tiêu dùng. Thói quen phổ biến khi đi mua hàng ít xem hạn sử dụng, thành phần cấu tạo nên sản phẩm, bên cạnh đó những thành phần được ghi trên bao bì lại là những công thức hóa học phức tạp, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu.
Một vấn đề khác tồn tại trong quảng cáo trên truyền hình là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đè bẹp nhau trong chính quảng cáo được phát sóng. Dễ dàng nhận ra việc này từ các quảng cáo về nước tăng lực, nước mắm, mì gói, bột giặt… Một quảng cáo về nước tăng lực được phát trên truyền hình đề cao công dụng của sản phẩm bằng những pha hành động bắt cướp đầy ấn tượng, đoạn cuối của quảng cáo là hình ảnh một võ sĩ đạo dùng thanh kiếm chặt đứt đôi một chai nước tăng lực khác, mặc dù chai nước này không để thương hiệu nhưng qua màu sắc cũng như hình dáng vỏ chai, người xem dễ dàng nhận ra đây là loại nước tăng lực gì. Những kiểu quảng cáo theo kiểu so sánh để chứng minh thương hiệu này tốt hơn thương hiệu khác không dựa trên chất lượng sản phẩm, mà chỉ dựa trên những hình ảnh mang tính chất minh họa, làm cho người tiêu dùng hoang mang, không biết phân biệt đâu là hàng tốt, đâu là hàng kém chất lượng.
Một loại quảng cáo khác khiến nhiều người phải lên tiếng phản đối, đó là tình trạng quảng cáo những mặt hàng nhạy cảm, những loại thuốc bôi, xức ngoài da đã khiến nhiều người xem bực bội. Nếu tình trạng này không sớm chấn chỉnh thì về lâu dài người xem sẽ cảm thấy bình thường với những điều phản cảm và điều đó rất đáng lo ngại.
Để cho người tiêu dùng có nhận thức đúng nhất về sản phẩm, cũng như để cho hoạt động quảng cáo đi vào khuôn khổ, từ ngày 1-1-2014, Luật Quảng cáo có hiệu lực với những điều mới bổ sung những thiếu sót trước đây, nhằm siết chặt tình trạng thả lỏng trong quảng cáo hiện nay, mặt khác phía chủ nhãn hàng cần sớm loại bỏ tư tưởng đánh vào hạn chế của người tiêu dùng để trục lợi, bởi những hành động đó về lâu dài cũng sẽ bị phát hiện và hậu quả sẽ hết sức nặng nề khi bị người tiêu dùng quay lưng.
QUANG KHOA