Trường cao đẳng, trung cấp sẽ khởi sắc?

Những năm gần đây, kết quả tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) ở các trường đại học (ĐH) cùng với các trường CĐ và trung cấp chưa năm nào vượt qua ngưỡng 60% tổng chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là càng ngày chỉ tiêu cùng với đường vào hệ ĐH quá rộng mở, trong khi các chính sách tuyển sinh, liên thông lại như “rào cản” đối với hệ CĐ, trung cấp. Cho nên, quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 32) mà Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành dường như là chiếc phao cứu sinh cho các trường CĐ và trung cấp... Thiếu chuẩn vẫn ôm đồm đào tạo
Trường cao đẳng, trung cấp sẽ khởi sắc?

Những năm gần đây, kết quả tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) ở các trường đại học (ĐH) cùng với các trường CĐ và trung cấp chưa năm nào vượt qua ngưỡng 60% tổng chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là càng ngày chỉ tiêu cùng với đường vào hệ ĐH quá rộng mở, trong khi các chính sách tuyển sinh, liên thông lại như “rào cản” đối với hệ CĐ, trung cấp. Cho nên, quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Thông tư 32) mà Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành dường như là chiếc phao cứu sinh cho các trường CĐ và trung cấp...

Thiếu chuẩn vẫn ôm đồm đào tạo

Thực tế cho thấy, hiện nay khá nhiều trường ĐH ôm đồm đào tạo cả hệ CĐ với rất nhiều chỉ tiêu. Ngay cả ĐH Quốc gia TPHCM hiện vẫn có đến 750 chỉ tiêu cho hệ CĐ. Tuy nhiên, điều đáng nói là hàng loạt trường tên tuổi đào tạo hệ CĐ nhưng lại thiếu chuẩn.

Thông tư 32 sẽ giúp hoạt động của các trường CĐ, trung cấp khởi sắc trở lại

Mới đây, cùng với 200 ngành ĐH ngưng tuyển sinh, có đến 296 ngành CĐ ở 74 cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo nhưng lại không đủ các điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo (không giảng viên trình độ thạc sĩ lẫn đại học). Dù “tệ” như vậy nhưng Bộ GD-ĐT vẫn cho tuyển sinh từ năm 2014 đến nay. Ở hệ đào tạo CĐ tại các trường ĐH, việc mở ngành không chỉ tiêu chuẩn thấp hơn mà còn dễ thở hơn với 2 điều kiện. Thứ nhất, với những ngành chưa có ở hệ ĐH theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư 08, để mở ngành đào tạo trình độ CĐ, cơ sở đào tạo phải bảo đảm điều kiện “có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký”. Thứ hai, những ngành đã được cấp phép ở hệ đào tạo ĐH thì tại khoản 2 của Điều 3 có quy định “trường ĐH, học viện được mở ngành đào tạo trình độ CĐ khi ngành đó đã được mở ngành ở trình độ ĐH theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”. Với điều kiện tối thiểu quá dễ như vậy, những tưởng các ngành đào tạo hệ CĐ ở các trường ĐH sẽ dư sức vượt chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Sau khi ra soát, có đến gần 300 ngành đào tạo hệ CĐ ở các trường ĐH không đáp ứng điều kiện cơ bản nhất để tuyển sinh, đào tạo.

Điều đáng nói là những năm qua, các ngành ở hệ CĐ trong các trường ĐH dù thiếu chuẩn nhưng vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Rất nhiều trường trong số đó lại xin Bộ GD-ĐT chuyển từ chỉ tiêu hệ CĐ sang chỉ tiêu cho hệ ĐH. Đáng nói hơn nữa là hiện nay rất nhiều trường ĐH còn ôm luôn cả hệ CĐ nghề (CĐ thực hành). Nhiều trường như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM… có cả hàng ngàn chỉ tiêu CĐ thực hành.

Thông tư 32 sẽ là “phao cứu sinh”?

Chính việc ôm đồm của các trường ĐH đã khiến cho nhiều năm liền các trường CĐ tuyển sinh èo uột và các trường trung cấp cũng thê thảm không kém. Trong khi đó, các trường ĐH dường như tạo mọi điều kiện tối đa để tuyển sinh nhưng lại không kiểm soát được quy mô lẫn chất lượng đào tạo.

Theo Th.S Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: “Nhiều năm liền, các trường CĐ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân chính dễ nhận thấy nhất đó là quy mô tuyển sinh của các trường ĐH (nhất là các trường ngoài công lập) tăng hàng năm. Cùng với đó, với cách xét tuyển học bạ, cửa vào ĐH cũng giống như vào trung cấp, CĐ thì đương nhiên thí sinh sẽ đổ xô vào trường ĐH. Trong khi đó, tình trạng cử nhân thất nghiệp năm nào cũng tăng”.

Thực tế cho thấy, trước đây các chính sách tuyển sinh dường như là “bức tường lửa” đối với hệ CĐ thì Thông tư 32 mà Bộ GD-ĐT mới ban hành được xem như “phao cứu sinh” đối với các trường CĐ. Cụ thể, Thông tư 32 đã trả các trường ĐH về đúng với chức năng của mình khi yêu cầu “cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ CĐ, trung cấp trừ các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành nghệ thuật và các cơ sở giáo dục ĐH thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên”. Thông tư 32 còn đưa ra lộ trình cụ thể hơn cho các trường ĐH có đào tạo trình độ CĐ thực thi đúng yêu cầu của thông tư này. Theo Bộ GD-ĐT, với cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo trình độ CĐ, mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ ít nhất 30% so với năm 2015 để dừng tuyển sinh hệ CĐ trước năm 2020. Với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ trung cấp phải chấm dứt vào năm 2017. Có thể nói, chính sách này sẽ tác động tích cực đến công tác phân luồng cho các hệ đào tạo sau THPT như CĐ, trung cấp, đồng thời góp phần đảm bảo cân đối lại quy mô đào tạo cũng như nhu cầu nguồn nhân lực.

Như vậy, về cơ bản, khâu trong yếu là chính sách và cơ chế đã được giải quyết. Khó khăn trong khâu tuyển sinh có thể là nhất thời, song điều quan trọng nhất để các trường CĐ, trung cấp thu hút được người học không còn cách nào khác chính là chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm đến đầu ra cho người học.

Dẫn đầu trong số những cơ sở ĐH có ngành CĐ không đạt chuẩn theo Thông tư 08 là những trường ĐH địa phương. Điển hình như Trường ĐH Phạm Văn Đồng có đến 17 ngành, Trường ĐH Phú Yên 15 ngành, Trường ĐH An Giang 11 ngành (duy nhất 2 ngành có 2 thạc sĩ), Trường ĐH Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 11 ngành, Trường ĐH Tiền Giang 8 ngành, Trường ĐH Trà Vinh 6 ngành… Đáng nói hơn, nhiều trường có uy tín ngay tại TPHCM cũng có tên trong danh sách này như: Trường ĐH Sài Gòn 11 ngành, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM 4 ngành. Nhiều trường ngoài công lập như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai… cũng có nhiều ngành không đủ điều kiện. Trong số những ngành không đủ chuẩn, rất nhiều ngành giảng viên trình độ đại học cũng không có nhưng đã tuyển sinh gần cả chục khóa với hàng trăm sinh viên/ngành.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục