Tại hội thảo “Xây dựng trường học chất lượng cao vì một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập” ngày 27-12 tại Hội trường Thống Nhất TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng trường chất lượng cao là cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể phù hợp với điều kiện địa phương, nhất là dựa trên sự công bằng giáo dục.
Cần sự đồng thuận của phụ huynh
TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng trường chất lượng cao là trường có đủ các điều kiện hoạt động dạy và học đem lại chất lượng cao, kết quả đào tạo thỏa mãn các yêu cầu mục tiêu ở mức cao. Trong đó sĩ số ở phổ thông phải đảm bảo 30 học sinh/lớp, học sinh (HS) học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ngày), thiết bị thực hành và tự học đầy đủ cho từng HS, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… Theo ông Minh, loại hình trường công với sự tham gia đầu tư của nhà nước cùng sự tham gia học phí của phụ huynh là khả thi và phù hợp với thực tế dân cư tại TPHCM. Tuy nhiên, xây dựng trên cơ sở trường lớp của địa phương phải đảm bảo đủ chỗ học một cách công bằng.
Mô hình trường phổ thông chất lượng cao được nhiều đại biểu ví như “dịch vụ cao” trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng thực tế trường lớp chưa thể đáp ứng với sự gia tăng dân số khiến việc phục vụ nhu cầu người học của ngành giáo dục gặp nhiều hạn chế.
Đối với địa bàn quận 3, ông Lê Trường Kỳ, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho rằng việc xây dựng trường chất lượng cao là cần thiết để hội nhập nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế. Ông cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo thực hiện trong năm học 2011 - 2012 đối với Trường THCS Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, điều kiện hiện nay sĩ số HS của trường là 555 HS năm tới cần phải giảm xuống còn 300 HS nhằm đảm bảo sĩ số 30 em/lớp. Điều này gây khó khăn rất lớn cho quận vì Trường THCS Lê Quý Đôn vốn là niềm “mơ ước” của nhiều phụ huynh nên muốn tuyển sinh theo trường chất lượng cao cần phải có sự đồng thuận của phụ huynh HS trên tinh thần tự nguyện và các trường trong quận phải đảm bảo đủ chỗ học cho HS”.
Th.S Trương Thị Mỹ Lai, Hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà, Phú Nhuận, nêu những hạn chế: Quy hoạch trường lớp được duyệt nhưng tiến độ xây dựng lại chậm, điều kiện và chất lượng giáo dục giữa các trường không đồng đều dẫn đến ảnh hướng chất lượng tuyển sinh đầu vào. Việc đánh giá chất lượng giáo dục của các trường chỉ chú trọng đến đầu ra mà thiếu sự so sánh giá trị gia tăng về “chất” và “lượng”.
Trong hệ thống các trường THCS công lập của quận Phú Nhuận chưa có nhiều trường đáp ứng đầy đủ tiêu chí của trường tiên tiến chất lượng cao. Và thiết nghĩ, ngành và quận chỉ nên tổ chức thí điểm dựa trên những trường đủ điều kiện. Trong quy hoạch mạng lưới hệ thống trường lớp cần có chiến lược phát triển mô hình này, tạo điều kiện cơ sở vật chất để HS học 2 buổi/ngày, sĩ số lớp học giảm 25 - 30 HS, đổi mới dần phương pháp giảng dạy và hướng HS đến các hoạt động cộng đồng.
Phải tạo uy tín bằng chất lượng đào tạo
Ông Vũ Văn Trà, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hải Phòng, chia sẻ: Trong khi ngân sách chưa đủ mạnh, chúng ta phải chấp nhận phát triển một nhóm trường có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người học. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần có chuẩn mực để đánh giá trường chất lượng cao kiểu như ISO nhưng bao gồm chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo và chất lượng sản phẩm đầu ra. Mô hình trường chất lượng cao đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất tốt, sĩ số lớp thấp và nhất là phương pháp dạy phải đổi mới, không thể “bao cấp” từng câu chữ, tư duy của HS mà cần tạo môi trường để các em chủ động, tự học, sáng tạo… để tạo ra môi trường giáo dục chất lượng.
Đại diện Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú cũng cho rằng: “Để thực hiện mô hình trường chất lượng cao đối với trường là rất khó khăn, cần có sự hỗ trợ và đồng thuận của xã hội, lộ trình cân nhắc phù hợp. Chúng ta phải xác định mình đang đứng ở đâu, vị trí nào? Kiến thức giảng dạy theo chương trình hiện nay ở nước ta thực sự không thua kém các nước, nhiều HS đã được vinh danh trên các đấu trường quốc tế về trí tuệ. Tuy nhiên số lượng không nhiều, bên cạnh đó công trình nghiên cứu của Hội Khoa học tâm lý Việt Nam cho biết kết quả khảo sát chỉ số CQ (sáng tạo) của HS Việt Nam là thấp rất đáng báo động. Chính vì vậy điều kiện tiên quyết đưa đến thành công là phải tạo được uy tín của nhà trường bằng hiệu quả đào tạo, qua việc nâng chất lượng giảng dạy của thầy cô giáo”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đồng thuận việc xây dựng trường chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi mô hình này cần có lộ trình cụ thể và đúc kết kinh nghiệm từ mô hình thực tế của Trường THPT Lê Quý Đôn.
Lê Linh – Mỹ Hằng
Mô hình trường tiên tiến chất lượng cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2006 đến nay. Sĩ số lớp học giảm còn 30 HS/lớp (so với trước đây khoảng 50 HS/lớp). Học sinh được tăng thời lượng học tập và hoạt động 2 buổi/ngày. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT năm học 2009 - 2010 đạt 100% (TPHCM có khoảng 20 trường THPT đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%). Tỷ lệ đậu ĐH-CĐ tăng theo từng niên học 65% (2006 - 2007); 70% (2007 - 2008); 85% (2008 - 2009). Kinh phí hoạt động vẫn được ngân sách đầu tư kinh phí cố định cho từng học sinh như các trường công lập, phần còn lại do cha mẹ học sinh đóng góp theo chủ trương tự chủ của nhà trường. Mức học phí khoảng 1 triệu đồng/HS/tháng (trong khi mức học phí dành cho học sinh trường công lập khoảng 30.000 đồng/HS/tháng, trường tự chủ tài chính 110.000 đồng/HS/tháng). T.Hà |