Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Văn Hiến TPHCM tuyển sinh đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam (Ngữ văn). Đây là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành này. Để hiểu rõ thêm về chương trình đào tạo cũng như những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Văn Thiện (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến TPHCM.
- Cùng với việc có nhà đầu tư mới, cơ sở vật chất được xây mới, Trường ĐH Văn Hiến TPHCM vừa được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ ngành Ngữ văn. Thầy cho biết cụ thể về thông tin trên?
- PGS-TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến TPHCM: Được sự cho phép của Bộ GD-ĐT theo Quyết định số 2708/QĐ-BGDĐT ngày 26-7-2013, Trường ĐH Văn Hiến TPHCM chính thức tuyển sinh sau đại học chuyên ngành Ngữ văn từ năm 2013. Hiện tại, nhà trường và Khoa Ngữ văn đã chuẩn bị hoàn tất kế hoạch tuyển sinh cũng như những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, giáo trình và cả đội ngũ giảng viên chuyên ngành.
- Những đối tượng nào có thể tham gia theo học thạc sĩ ngành Ngữ văn?
- Theo thông báo tuyển sinh, tất cả các thí sinh dự tuyển phải có bằng cử nhân Văn học thuộc các hệ đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, từ xa). Ngoài ra, có một số ngành gần như: Văn hóa học, Đông phương học, Việt Nam học, Xã hội học,…
- Hiện nay, đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Ngữ văn chỉ tập trung nhiều ở các trường công lập lớn như hai ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và nhiều trường có thế mạnh như ĐH Sư phạm và các ĐH vùng. Vậy Trường ĐH Văn Hiến là trường ngoài công lập đã hội đủ những điều kiện nào để Bộ GD-ĐT an tâm giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học ngành Ngữ văn?
- Thực ra khi xin mở ngành đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Ngữ văn, Trường ĐH Văn Hiến TPHCM đã nhìn đến vấn đề cung và cầu. Trên thực tế, ở khu vực phía Nam không tính Tây Nguyên thì chỉ có Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) và Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Mỗi một năm cả hai đơn vị chỉ đào tạo trên dưới 50 học viên. Nếu so với số người có bằng cử nhân văn chương trong khu vực thì quả chưa thể đáp ứng được nhu cầu nâng cấp trình độ của hàng ngàn người. Đấy là chưa nói đến theo đề án của Bộ GD-ĐT đến năm 2020 phải nâng cấp giáo viên phổ thông lên 5% trình độ thạc sĩ.
Việc đào tạo hạn chế như vậy là do yêu cầu đầu vào cao, mặt khác đơn vị đào tạo phải đủ điều kiện. Chẳng hạn muốn đào tạo trình độ thạc sĩ thì phải có từ 5 Tiến sĩ (TS) trở lên. Và 5 người phải đáp ứng được một số yêu cầu như trong 3 năm trở lại phải có 3 công trình đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành.
Trong khi đó, Trường ĐH Văn Hiến có 8 GS, PGS, TS ngành Văn. Đó là một trong những lý do được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam. Hơn nữa, những GS, PGS, TS đều là những người có thâm niên đào tạo sau đại học ở các Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH KHXH&NV, Viện Khoa học xã hội phía Nam... như GS-TS Khoa học Lê Ngọc Trà, TS Nguyễn Ngọc Quận, TS Trần Thị Thuận, PGS Mai Cao Chương, PGS-TS Đoàn Lê Giang…
Về cơ sở vật chất, Trường ĐH Văn Hiến TPHCM hiện nay khang trang, được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị dạy và học tiên tiến. Đặc biệt, 100% phòng học trang bị máy lạnh để đảm bảo thoáng mát cho học viên cũng như giảng viên có môi trường sư phạm tốt nhất. Đặc biệt, thư viện của trường ngoài 3.000 đầu sách quý do GS Hoàng Như Mai tặng cho trường, mới đây chúng tôi đã bổ sung thêm hơn 1.500 đầu sách chuyên ngành phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của học viên, sinh viên theo học tại trường.
- Học viên chắc chắn sẽ quan tâm nhiều đến nội dung và chương trình đào tạo cũng như một số điều kiện khác khi lựa chọn Trường ĐH Văn Hiến TPHCM. Xin thầy cho biết cụ thể về chương trình đào tạo này?
- Chương trình đào tạo sau đại học của ngành Văn học Việt Nam của Trường ĐH Văn Hiến TPHCM đã chắt lọc theo hướng kế thừa và sáng tạo trên cơ sở chương trình của Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Chương trình đào tạo sẽ chú trọng phối hợp giữa lý luận chuyên ngành và các vấn đề đặt ra cho từng giai đoạn văn học, từng bộ phận văn học làm sao để người học có thể vận dụng có hiệu quả vào việc tác nghiệp chủ yếu là dạy học và làm báo. Chương trình đào tạo đã đưa công bố rộng rãi website http://vhu.edu.vn/ của trường.
Ngoài việc xây dựng chương trình, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mặc dù là trường ngoài công lập nhưng chúng tôi hội đủ những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó, vấn đề “con người” – đội ngũ giảng viên – là một trong những thế mạnh của trường trong đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Ngoài ra, học phí cho nguyên khóa học cũng được chúng tôi hỗ trợ rất nhiều nên khá hấp dẫn so với các trường khác để khuyến khích những giáo viên phổ thông mong muốn học lên thạc sĩ không phải lo lắng nhiều về học phí.
- Theo học thạc sĩ ngành Ngữ văn, học viên sẽ quan tâm đến vấn đề “hậu” tốt nghiệp. Xin thầy cho biết thêm cơ hội nghề nghiệp cũng như hướng đi tiếp theo của học viên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Ngữ văn của trường?
- Như đã nói ở trên, việc đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Văn Hiến TPHCM hướng đến đối tượng chủ yếu là giáo viên phổ thông các cấp, trong đó có một số hiện tham gia giảng dạy tại các trường CĐ, ĐH ngoài công lập ở phía Nam. Chương trình cũng hướng đến đối tượng làm báo chí và quản lý văn hóa xã hội các cấp ở địa phương.
Trong tương lai gần, khi đã ổn định, trường tiếp tục xin Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bậc tiến sĩ Văn học Việt nam. Trên thực tế, đội ngũ của trường đủ điều kiện để đào tạo trình độ tiến sĩ. Nhiều giảng viên ở đây đang thỉnh giảng cho một số trường khác và hướng dẫn thành công một số luận án tiến sĩ chuyên ngành này.
- Xin cảm ơn thầy!
| |
Trí Anh (thực hiện)