“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây…”, những ca từ trong nhạc phẩm Sợi nhớ, sợi thương của tác giả Phan Huỳnh Điểu nói về hai nhánh đường Trường Sơn huyền thoại miên man trong tôi theo từng vòng xe lăn bánh trên đường Trường Sơn Đông. Mùa này ngược về Sơn Tây (Quảng Ngãi), không cần phải qua nhánh Tây mà chỉ trong ngày thôi, sẽ bắt gặp “nắng đốt - mưa quây” rõ rệt nơi mảnh đất cao hơn mực nước biển trên 500m này. Mặc cho sáng nắng rát, chiều mưa dông, những “người lính” trong thời bình vẫn đang bạt núi, xuyên rừng để viết nên những trang sử mới góp vào dòng chảy của lịch sử Việt Nam về cung đường Trường Sơn huyền thoại…
Dấu ấn
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) Phan Tấn Hoàng phấn khởi khoe: “Mặt bằng toàn tuyến Trường Sơn Đông dài trên 40km qua huyện gần như đã xong, nhiều đoạn được đổ bê tông đi sướng rơn”. Quả như lời ông nói, dù còn những đoạn phải bạt đồi, xẻ núi, lởm chởm những đá tảng ngáng đường và cảm giác rùng mình khi nhìn xuống vực sâu hun hút… Nhưng một con đường mới đã hình thành, hiển hiện chạy xuyên qua những cánh rừng xanh ngắt.
Chiếc xe hai cầu của UBND huyện chồm lên, hạ xuống, anh lái xe phải đánh lái xoay tròn mới vượt qua những đoạn đường đang thi công nham nhở. “Phải là người có kinh nghiệm, vững tay, quen đường như nằm lòng mới đi được tuyến đường này” - tôi nói với Lê Văn Hùng, sinh năm 1975, anh lái xe từ những ngày đầu khi Sơn Tây mới tách huyện. Hùng cười vang: “Bây giờ đi quá sướng rồi. Những ngày đầu tách huyện, muốn về các thôn, bản chỉ có đi bằng xe máy, có lúc bỏ xe lội bộ. Gặp trời mưa, đường rừng trơn trượt, bị vắt đeo đầy người. Hôm gặp mưa lớn, nước lũ dâng nhanh, phải ở lại nhà dân cả tuần chờ nước cạn mới lặn lội quay trở về”.
Lời kể của anh giúp tôi phần nào mường tượng ra hiểm nguy trên những cung đường mòn trước đây. Con đường hơn 36 năm trước là tuyến đường hành quân, vận chuyển vũ khí, khí tài đạn dược để bộ đội ta Nam tiến, cùng cả nước thực hiện cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1975, thống nhất đất nước.
Ông Lê Văn Đường, nguyên Huyện đội trưởng huyện Sơn Tây, kể: “Trong chiến tranh, đường mang tên Z114. Chúng tôi buộc phải làm con đường men theo bờ sông để tránh máy bay do thám của địch. Để có đường, năm 1974, hàng ngàn thanh niên xung phong và bộ đội đã liên tục trong nhiều tháng liền san nền, bạt núi để đưa xe pháo tiếp cận với đồng bằng, chuẩn bị giải phóng miền Nam”. Con đường cũ hiện chỉ còn một vệt lờ mờ trên mặt đất, nhưng hình như con đường trong ký ức của những người năm xưa kháng chiến như ông Đường thì vẫn còn nguyên.
Đường mới
Những dấu ấn lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn Đông xưa như bệ phóng vào hiện tại. Sau 5 năm bổ nhát búa đầu tiên cho những ngày khai sơn phá thạch, tuyến đường Trường Sơn Đông dài gần 670km, xuyên suốt 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nằm giữa QL1A (phía Đông) và đường Hồ Chí Minh (phía Tây) với điểm đầu tại Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - điểm cuối tại cầu Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng, nay đã cơ bản nên dáng hình.
Là dự án trọng điểm quốc gia, vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng nên Ban quản lý dự án 46 (BQL46) Bộ Quốc phòng được chỉ định quản lý toàn tuyến. Đây cũng là nơi tề tựu của những đơn vị thi công có thâm niên trong xây dựng cầu đường, như: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 15, Công ty Xây dựng Công trình hàng không (ACC), Công ty Xây dựng 319, Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36, Công ty Xây dựng Lũng Lô, Công ty Vạn Tường, Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình), Công ty Đông Hưng (Gia Lai)…
Những kỹ sư của BQL46 kể rằng: Hoàn thành được mỗi mét đường trên những vùng rừng núi là một hành trình vô cùng gian nan, vất vả. Để đưa được các trạm trộn, máy xúc, máy ủi “siêu trọng” tới được công trình phải mở đường nhánh mất nhiều ngày.
Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc BQL46, cho biết: Điều kiện khí hậu ở miền Trung và Tây Nguyên khắc nghiệt, mùa mưa trong năm kéo dài và thường xuyên xảy ra lũ lụt. Địa chất phức tạp, không ổn định, luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt. Một số đoạn lại đi qua rừng quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên, ruộng đất canh tác của người dân... Trong khi đó, trình độ dân trí thấp, 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc phóng tuyến khó khăn.
Tại một số khu vực, chất độc hóa học, bom, mìn, đạn của Mỹ - ngụy còn sót lại vẫn rình rập những hiểm nguy, ảnh hưởng không nhỏ tới điều kiện làm việc, sinh hoạt của lực lượng thi công. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại đó, cung đường từ xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nối đến xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum), chạy dài đến thị xã Ayun Pa (Gia Lai) gần 250km đã cơ bản thông nền, đang chuyển sang giai đoạn thi công móng, thảm nhựa và đổ bê tông mặt đường.
Các đơn vị thi công đang phấn đấu đưa vào sử dụng khoảng 220km, đoạn giữa tuyến trên Tây Nguyên (từ quốc lộ 24 đến quốc lộ 25), vào cuối quý 2 năm 2011. “Trong năm nay và các năm tiếp theo, tập trung triển khai thi công mặt đường cao cấp, những gói thầu mới, các công trình hầm và cầu lớn. Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ hoàn thành dự án đường Trường Sơn Đông vào năm 2015” - Đại tá Văn Thái Bình khẳng định.
Sức sống mới
Cái nắng chói chang những ngày đầu tháng 5 làm nổi bật tuyến đường Trường Sơn Đông như một dải lụa trắng mềm mại uốn lượn, vắt ngang lưng chừng núi, đi qua những bản làng nhấp nhô xinh xắn, những thửa ruộng bậc thang có đồng lúa đang thì con gái xanh mướt rì rào. Những bản mới hình thành, phía Tây Quảng Ngãi như đang bừng lên một sức sống mới…
Bản Mang Cà Tể, xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây) nằm ven đường Trường Sơn Đông bừng sáng trong ánh chiều. Những căn nhà sàn xinh sắn nhấp nhô sườn đồi quyện trong khói chiều bãng lãng đẹp như một bức tranh thủy mặc. Tiếng nhạc xập xình từ những giàn karaoke gần đó vọng vào vách núi như minh chứng cho những đổi thay đang tiến về vùng rừng núi vốn thâm u này.
Ông Đinh Văn Băng, dân tộc Cadong (67 tuổi), đều đặn nâng hạ cánh tay thắt từng nút trên vành của chiếc tát (hình tròn, làm bằng tre hoặc nứa để đựng lúa, gạo…) nói chậm rãi như nhặt hạt: “Hồi chiến tranh mình đi đường mòn đánh Mỹ, cực lắm. Nay đường đẹp, nhìn đã sướng mắt rồi. Mình không đi đâu xa nữa, nhưng lứa con cháu phải ra khỏi bản, đi học cái chữ, công tác ở trên huyện. Có đường mới, chúng đi bằng xe máy, khỏe lắm”.
“Trung bình mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Cái quán tạp hóa này mình mở khi mới có con đường để bán cho công nhân làm đường và bà con trong bản đấy” - Nguyễn Tấn Ngọc, sinh năm 1980, dân tộc Cadong, ở bản Nóc Ông Thanh, nơi xa nhất, cao nhất của huyện Nam Trà My (Quảng Nam), chỉ tay vào quầy tạp hóa tươi cười nói vậy.
Còn cô giáo tiểu học Lê Thị Thu Thùy, sinh năm 1983, quê xã Tam Tiến, Núi Thành (Quảng Nam) đã 6 năm cắm bản, nhớ lại những ngày tháng luồn rừng, lội suối, đi từ điểm trường chính đến trường tiểu học thôn 3, xã Trà Vân: “Dân bản địa đi mất khoảng 4 giờ, còn mình đi phải mất 6 đến 8 giờ. Năm nay mình hết nghĩa vụ cắm bản, nhưng lại không có ý định về xuôi nữa vì đường bây giờ đi láng o rồi”.
“Có khoảng 8 triệu đồng bào dân tộc thiểu số của 7 tỉnh có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua được hưởng lợi. Riêng huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) khoảng 8.000 dân, chủ yếu đồng bào dân tộc Cadong. Đường mới hình thành, bà con bám đường mưu sinh. Những căn nhà sàn diện 167 được Nhà nước hỗ trợ dựng khang trang ven đường như những nét chấm phá khiến con đường không còn đơn điệu nữa.
Giao thương giữa miền núi và miền xuôi, giữa các địa phương với nhau nhộn nhịp hơn. Kinh tế, văn hóa, xã hội… các bản xa nay mai sẽ thường “gặp nhau” ở một diện mạo mới. Đặc biệt hơn nữa, tuyến đường độc đạo từ Sơn Tây về xuôi không còn “độc cô” nữa. Không lo sợ sạt lở gây tắc đường, cô lập mỗi khi mưa lũ tràn về…” - ông Phan Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, không giấu niềm vui sướng nói một mạch không ngơi nghỉ.
Với ông Lê Văn Đường, người đã mòn gót giày trên dãy Trường Sơn, thì: có một Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh đã đưa đất nước đến thống nhất, hôm nay và mai sau sẽ làm nhiệm vụ soi rọi vào tận những góc khuất nghèo đói, thắp lửa và nhen nhóm những niềm vui.
Hà Minh