Hiện nay, vấn đề chất lượng cũng như an toàn vệ sinh nông sản và thực phẩm ngày càng trở nên nóng bỏng, khó khăn, phức tạp. Trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay lo kiểm soát nông sản ngoại, thực phẩm ngoại ồ ạt tràn vào nội địa không đảm bảo an toàn cho sức khỏe thì ở trong nước, việc quản lý chất lượng nông sản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bằng chứng là từ đầu năm tới nay, liên tục rộ lên các vụ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Từ thịt thối, gia cầm được tẩm bột sắt, nội tạng động vật nhập khẩu không đảm bảo, rau quả có nhiều hóa chất bảo quản..., gần đây nhất trong thịt heo có chất kích nạc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.
Cũng không kém phần lo ngại là thời gian qua, ngay một vài mặt hàng nông sản xuất khẩu của chúng ta đang bị cảnh báo về việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi đưa sang nước nhập khẩu, không những bị trả về mà việc các nước đưa ra cảnh báo có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam, điều mà chúng ta vẫn đang nỗ lực gây dựng từ nhiều năm qua.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản nói rằng, EU, Mỹ, Canada cũng như nhiều quốc gia khác là những thị trường khó tính, đề cao yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua hàng rào kiểm dịch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của nước họ. Chính vì lẽ đó, ở nước ta cũng cần làm được như vậy, thông qua xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ nông sản nhập khẩu.
Tuy nhiên, thực tế, an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta vẫn gần như đang bị thả nổi, người dân vẫn đang từng ngày phải đắn đo, lo ngại độ an toàn cũng như sức khỏe trước mỗi bữa ăn của gia đình mình. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, chúng ta không thể nương tay với các hành vi cố tình đưa chất cấm vào thực phẩm vì mục đích lợi nhuận nữa, cần phải thực hiện cơ chế truy tìm tận gốc những cơ sở sản xuất và kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có như vậy mới “diệt” tận gốc thực phẩm “bẩn”, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Từ sau khi có Luật An toàn thực phẩm, hiệu lực từ tháng 7-2011, lĩnh vực an toàn nông sản và thực phẩm đã được giao trách nhiệm cho Bộ NN-PTNT. Tại nhiều cuộc họp về các giải pháp siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đều khẳng định, quan điểm của Bộ NN-PTNT là không che giấu thông tin thực phẩm “bẩn”, phải công khai những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xử lý nghiêm, thậm chí có thể truy tố.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá, sau khi rộ lên thông tin có chất tạo nạc, nhờ sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan chức năng nên tình hình đã giảm hẳn. Trong tháng 4-2012, bên cạnh tiếp tục chiến đấu với chất cấm, Bộ NN-PTNT sẽ ra quân kiểm tra hoạt động giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh trong các sản phẩm giết mổ, tiến tới đưa vào quy củ. Đồng thời cũng tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, tập trung cao độ cho việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, để kịp thời phát hiện các mẫu sản phẩm vi phạm, giải pháp quan trọng là phải tổ chức liên tục các đợt thu thập mẫu thực phẩm để kiểm tra, phân tích. Nếu phát hiện có vi phạm về dư lượng, sử dụng chất cấm, phải tiến hành truy xuất tận gốc để “bắt tận tay, day tận mặt” mới hy vọng đẩy lùi được thực phẩm “bẩn”.
Phúc Hậu