Bộ Tài chính đối thoại với các doanh nghiệp phía Nam
Sáng 30-11, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã có buổi đối thoại với hơn 400 doanh nghiệp (DN) phía Nam. “Cán bộ thuế, hải quan là bạn đồng hành của DN. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo cơ chế thông thoáng cho DN, chúng tôi mong muốn DN nói lên khó khăn, phản ánh, góp ý để chúng tôi phục vụ DN tốt hơn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, phát biểu tại hội nghị. Rất nhiều bức xúc đã được DN giãi bày tại hội nghị.
Hoàn thuế chậm, trả lời chậm…
Công ty TNHH Lê Long Việt Nam là DN 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất bình ắc quy, nhưng DN này vừa sản xuất xuất khẩu, vừa bán hàng trong nước. Theo quy định, hàng xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng việc phân bổ tỷ lệ hàng xuất không được quy định rõ nên DN không biết thực hiện thế nào. Do vậy, thuế của kỳ báo cáo thuế trước chuyển sang kỳ sau khá lớn mà không được hoàn thuế…
Phó Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn hướng dẫn cụ thể: “Doanh nghiệp được quyền hoạch toán riêng phần hàng xuất khẩu để hoàn thuế. Nếu DN không hoạch toán riêng được thì được phép tự phân bổ theo tỷ lệ ước lượng. Nếu số tiền thuế dư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế”.
Người dân tìm văn bản, thông tin về thuế qua máy tra cứu thông tin được đặt tại chi cục thuế. Ảnh:Quý Ngọc
Dù theo báo cáo của Bộ Tài chính hoạt động cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, nhưng chuyện hoàn thuế và quy định không rõ ràng vẫn đang làm khổ DN. Cụ thể, Công ty Cơ điện lạnh Hòa Bình chuyên nhập khẩu mặt hàng nước nóng lạnh nhưng trước đây không phải nộp thuế. Gần đây, ngành hải quan lại quy định mã mặt hàng, nên mặt hàng cũ kia thuộc mã phải đóng thế. Đội kiểm tra sau thông quan lại kiểm tra hồ sơ 5 năm trước và cho rằng trước đây DN áp sai mã hàng nên ra quyết định xử phạt và truy thu thuế. Tổng số tiền bị truy thu, phạt nộp chậm lên đến 3,5 tỷ đồng. Bất hợp lý là việc truy hoàn trong 5 vòng năm, trong khi thông tư về mã hàng hóa mới ra đời sau này. Khi đã có quyết định xử phạt, nếu DN không nộp thì sẽ bị cưỡng chế hàng hóa, không được thông quan, nên DN đành phải nộp phạt, rồi khiếu nại sau.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục Hải quan, giải thích, theo quy định, đội kiểm tra sau thông quan được quyền kiểm tra hồ sơ và xử phạt sai phạm trong vòng 5 năm. Việc truy hoàn cần kiểm tra kỹ, vì sợ thất thoát tiền của ngân sách nên cán bộ có thận trọng. Tuy nhiên, Phó Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan làm nhanh nhất các thủ tục hoàn thuế cho DN.
Công ty Kim Xuân (Cần Thơ) nhập thép về sản xuất hàng hóa xuất khẩu cũng bức xúc với các quy định bất lợi cho mình. Theo quy định hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất xuất khẩu thì được miễn thuế, vậy tại sao khi nhập khẩu lại phát sinh thêm thuế tự vệ, buộc DN phải nộp? Đại diện Tổng cục Hải quan giải thích, loại thuế chống bán phá giá mới này là do… Bộ Công thương ban hành! Cơ quan hải quan buộc phải tạm thu, sau này sẽ điều tra sau, nếu DN không bán phá giá thì sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, câu trả lời chưa đem lại sự hài lòng cho DN nên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết sẽ trao đổi với Bộ Công thương về những phản ánh của DN.
Sòng phẳng đôi bên
Tại hội nghị, các DN cũng phản ánh nhiều bất cập trong các chính sách thuế như, việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông nghiệp khiến một số DN đã mua hàng nông sản nay không được hoàn thuế đầu vào; căn cứ tính giá để áp thuế đối với mặt hàng rượu nhập khẩu phải dựa vào giá bán các mặt hàng cùng loại trên thị trường, nên DN nhập hàng đặc thù thì không có hàng cùng loại để tính giá áp thuế. Các DN cũng phản ánh việc áp thuế khoán không công bằng, một số hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn, nhưng mức thuế khoán thấp nên DN không cạnh tranh nổi. Đối với hộ kinh doanh cá thể, người mua thì phải cộng thêm thuế mới có hóa đơn. Do vậy, các DN đề nghị Bộ Tài chính phải quy định thống nhất, với hàng hóa bán ra trên 200.000 đồng buộc phải xuất hóa đơn như nhau, tạo công bằng giữa hộ kinh doanh cá thể với DN…
Cuối buổi, phần nhiều các phản ánh vẫn xoay quanh chuyện hoàn thuế. Hiệp hội thực phẩm Sóc Trăng cũng bức xúc khi số tiền hoàn thuế lên đến 40 tỷ đồng, lẽ ra thuộc diện “hoàn thuế trước, kiểm tra sau”, thế nhưng cơ quan thuế vẫn “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, nhưng rồi vẫn chậm. DN chậm nộp bị xử phạt, tại sao chậm hoàn thuế cán bộ không chịu phạt, đại diện hiệp hội thẳng thắn đặt vấn đề. Phó Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn thừa nhận kiểm tra trước hoàn thuế sau là không đúng và hứa sẽ cho kiểm tra xử lý.
Giữa làn sóng nóng chuyện hoàn thuế, Công ty CP Thép Khương Mai cũng phản ánh mình bị ngành thuế gây khó dễ không cho DN này hoàn thuế. Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã yêu cầu lãnh đạo Cục Thuế TPHCM trả lời cụ thể. Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục Thuế TP, trả lời thẳng: “Ngành thuế quản lý theo cơ chế rủi ro và máy tính đã lọc Công ty Thép Khương Mai nằm trong đối tượng rủi ro cao. Qua kiểm tra thì đến 70% hóa đơn đầu vào là của công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Do vậy, Cục Thuế TP đã thanh tra và cho ra kết quả là công ty sử dụng hóa đơn của 13 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, các liên hóa đơn không thống nhất… Khi cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra kho hàng thì Công ty Khương Mai từ chối kiểm tra. Do vậy, cơ quan thuế đành tạm dừng thanh tra và đang chuyển cho cơ quan chức năng điều tra”. Vụ việc đã được trả lời rõ ràng, cả hội trường vỗ tay. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng nói thẳng, nhà nước tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhưng nếu DN vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
HÀN NI