Hiện nay, từng giây một, khi mở máy vi tính, mở smartphone, tivi, radio… là mở ra một thế giới hàng hóa: từ thuốc giảm cân, kem giảm mỡ, sản phẩm làm đẹp… đến các kiểu giải phẫu thẩm mỹ, gọt cằm, căng da… Rồi vô vàn sản phẩm khác, từ làm khỏe, làm đẹp, làm sang đến hàng hóa tiêu dùng, đất đai, nhà cửa, với đủ chủng loại, thương hiệu sẵn sàng phục vụ cho các đối tượng tiêu dùng. Công nghệ truyền thông đổi mới liên tục, chiến lược truyền thông cũng thay đổi không ngừng. Với lĩnh vực xuất bản, những quyển sách thuộc loại bán chạy nhất thế giới trong thời đại công nghệ thông tin cũng luôn là những quyển sách được truyền thông tốt nhất.
Các tập Harry Potter của J.K Rowling đều bắt độc giả phải nín thở chờ tới “giờ G” mới đồng loạt phát hành trên toàn thế giới. Các sản phẩm ăn theo Harry Potter còn là cơn lốc kéo người đọc đổ xô săn lùng sách của J.K Rowling. Ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngoài “ma lực” chữ nghĩa chiêu dụ người đọc trẻ tuổi, anh còn được hỗ trợ tích cực từ đội ngũ làm công tác truyền thông, quan hệ công chúng (PR) của nhà xuất bản và của giới truyền thông. Những bức ảnh chụp dòng người rồng rắn xếp hàng chờ xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dưới trời mưa hay nắng gắt đã tạo thêm sức hút khó cưỡng của nhà văn đối với người đọc. Hay như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Dù tài năng chị đã được khẳng định không chỉ ở văn đàn trong nước. Nhưng cũng thấy rằng, nếu báo chí không đăng truyện vừa Cánh đồng bất tận, với những lời giới thiệu thật lôi cuốn, cũng như có những tranh luận trái chiều quanh truyện này, thì Nguyễn Ngọc Tư và Cánh đồng bất tận khó có được hàng triệu độc giả lúc đó.
Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư được nhà xuất bản săn đón với chiến lược PR rầm rộ, bởi sản phẩm do 2 nhà văn này tạo ra được một lượng lớn độc giả tin dùng và quen dùng, dù không phải đầu sách nào cũng để lại dấu ấn.
Tuy nhiên, ngoài 2 nhà văn mà sản phẩm của họ là mặt hàng luôn được truyền thông với nhiều chiêu thức thì cũng còn không ít tác phẩm văn chương thực sự có giá trị vẫn không được người đọc biết đến hoặc biết đến một cách qua loa qua những bài điểm sách, mà không ít bài giới thiệu sách mà người đọc sách chỉ xem lướt qua trang sách hay chỉ đọc nội dung tóm lược mà nhà xuất bản gửi cho báo chí, đăng trên vài ba tờ báo. Và thực tế, cũng chỉ còn một ít tờ báo duy trì mục giới thiệu sách mới. Sách mới lại quá nhiều, ngày nào cũng có thêm hàng trăm đầu sách. Trong số đó, sách văn học chiếm một con số không nhỏ.
Vậy thì, tại sao tác giả của những quyển sách mới không truyền thông, quảng bá tác phẩm cho chính mình, qua những phương tiện hợp thời như mạng xã hội. Truyền thông tác phẩm của mình trên trang cá nhân, cái không gian mà ít người viết nào không sở hữu. Không gian đó lại nối kết người viết với đồng nghiệp, với độc giả và với cả thế giới. Không ai hiểu đúng về “đứa con” được mang nặng đẻ đau bằng chính tác giả và cũng không ai thương “con mình” bằng mình.
Dĩ nhiên, càng thương con, người đẻ ra nó càng hiểu về tính nết, cả thói hư tật xấu và biết rõ giá trị có được của con mình, thứ giá trị làm cho văn chương trở thành thứ hàng hóa đặc biệt, được sản xuất bằng trí tuệ, bằng trái tim, bằng tài năng và chi phí cho sản phẩm văn chương, còn là thời gian, là mồ hôi và cả nước mắt. Cách thức giới thiệu về đứa con máu thịt của mình cũng còn là phẩm cách của người thai nghén, sinh thành ra nó. Tô vẽ, son phấn hay nâng con mình cao hơn, to hơn kích thước và tầm vóc vốn có của nó, không chỉ làm thui chột tài năng có được của con mình, mà còn ngáng trở và triệt tiêu con đường sáng tạo của chính mình. Người đọc vừa tinh tường vừa khắt khe. Họ chỉ bỏ đồng tiền mua đúng thứ hàng hóa có giá trị mà họ cần.