Truyền thống

Có lẽ chưa có đất nước nào có bề dày lịch sử chống ngoại xâm như Việt Nam, suốt 1.000 năm bị phương Bắc đô hộ, rồi 100 năm dưới ách của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã phải quằn mình gánh chịu biết bao đau thương, mất mát mới giành được độc lập, thống nhất đất nước mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Đó là cả một quá trình dài nối kết của những thế hệ nối liền thế hệ, như một sợi dây bện chặt vĩnh cửu lời thề sắt son giữ nước. Thế hệ này ngã xuống đã có một thế hệ khác nối tiếp lên đường.

Trải dài từ triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời Pháp thuộc, thời bị chia cắt đất nước và đến tận bây giờ, đời nào cũng có những tấm gương trung liệt với những trang sử bi tráng thắm đỏ dòng máu anh hùng, liệt sĩ. Trong giai đoạn cận đại, cả dân tộc đã phải chống trả với thế lực hùng mạnh của kẻ thù mà cả thế giới đều kiêng sợ, nhưng ta đã giành được độc lập bằng sức mạnh của ý chí và chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân.

Chừng ấy những chất liệu ngồn ngộn của những trang sử anh hùng dân tộc, vậy mà môn học sử vẫn luôn luôn bị đứng vào hàng thứ yếu trong chương trình học phổ thông với chỉ 1 tiết học mỗi tuần.

Thời lượng ấy chỉ kịp cho thầy cô tuôn ra những con số khô khan chép từ sách giáo khoa, chứ làm sao có đủ tinh thần để truyền cho học sinh những câu chuyện chép từ máu và nước mắt của cha ông, làm sao truyền được cái thần của một môn học gieo trồng lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho học sinh?

Giáo dục đã xem nhẹ môn học truyền thống, điện ảnh lại không đủ tài và lực để thể hiện được những thước phim lịch sử hoành tráng của chính đất nước mình. Và hệ quả của nó đã thấy rõ khi thế hệ trẻ đã và đang quay lưng với môn Sử nước nhà. Lâu nay phim lịch sử, chiến tranh của ta chỉ chựng lại ở những bộ phim kinh điển: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… Mới đây ta có thêm phim Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng nhưng vẫn chưa thể hiện hết cái hào khí ngất trời của dân quân cả nước vào những ngày tháng bão lửa ấy. Nếu như giờ học lịch sử chỉ làm học sinh chán ngắt và giới trẻ quay lưng với phim truyền thống nghĩa là giáo dục và điện ảnh đã mắc một món nợ với những giọt máu thiêng liêng của Tổ quốc…

Nhưng truyền thống không có nghĩa là chỉ nói chuyện chiến tranh, chuyện quá khứ, mà đó là chuyện của linh hồn dân tộc. Là chuyện của đất nước Việt Nam, những câu chuyện mà khi bước ra quốc tế, mọi người có thể nhận diện được đó chính là cuộc sống, là hơi thở của một dân tộc đã đứng dậy như thế nào trong bão lửa chiến tranh và đang xây dựng đất nước. Đó là hiện thực của một đất nước đang chuyển mình bước vào nền kinh tế thị trường. Một lớp trẻ mới đầy nhiệt huyết và năng động với lý tưởng làm giàu và ở đây chính là nơi nảy sinh biết bao vấn đề. Từ thành phố đến nông thôn, nơi đâu cũng trĩu nặng những biến động dữ dội, được nhìn qua lăng kính rõ nhất từ giới trẻ. Những cô gái nông thôn tự nguyện bước vào cuộc xổ số cuộc đời khi đi tìm vận may ở những đất nước xa lạ. Và còn biết bao những bi kịch mà người nông dân phải gánh chịu khi đất đai bị quy hoạch, cầm tiền tỷ trên tay mà con đường phía trước quá chông gai. Đó là những câu chuyện, những lời cảnh báo cần được gióng lên, nó phải đồng hành với cuộc sống thời đại, nhưng cũng chính từ đó, những trang lịch sử sẽ được khơi gợi lại như một lời cảnh báo. Người ta vẫn còn nhớ Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc PMU18 cũng là chiến sĩ từ thành cổ Quảng Trị trở về và tha hóa đến mức ấy. Khán giả cần ở đó những lời giải, những phân tích chính luận, những cảm thông từ những người trong cuộc chứ không phải là những bộ phim kéo dài hàng trăm tập copy từ chuyện xứ người với những tình huống, con người, tính cách hoàn toàn xa lạ với mình.

Đề tài phim truyện Việt hãy bước vào những trang sử linh thiêng của dân tộc mình, những nỗi đau có thực của chính mình, với một chút lãng mạn cần có, một chút yêu thương ấm áp của một mái ấm gia đình đặc trưng Việt Nam, đúng với “ADN Việt Nam”. Đó chính là đặc trưng, là bản sắc Việt, không thể lẫn với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.


NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục