Từ 1-7-2013, bắt buộc dán nhãn năng lượng

Đó là nội dung được ghi trong Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 14-1-2013. Theo đó, một số sản phẩm thuộc nhóm thiết bị điện gia dụng và nhóm thiết bị điện công nghiệp phải được dán nhãn theo hình thức bắt buộc từ ngày 1-7-2013.

Theo Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công nghiệp, các đối tượng của chương trình dán nhãn năng lượng sẽ bao gồm các sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng đơn lẻ đáng kể, các sản phẩm được sử dụng rộng rãi cho mục đích sinh hoạt, trong các văn phòng, trong sản xuất kinh doanh, các sản phẩm chưa sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện có trên thị trường. Để đảm bảo việc dán nhãn năng lượng lên các sản phẩm được thực hiện theo đúng quy định, công tác tổ chức quản lý giám sát sẽ được phối hợp thực hiện đồng bộ bởi Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban Nhân dân các địa phương và Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện dán nhãn năng lượng. Theo quy định này, mức xử phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng và thu hồi nhãn năng lượng cho hành vi dán nhãn năng lượng không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm chưa được chứng nhận. Các thiết bị điện phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1-7-2013: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện. Máy biến áp phân phối ba pha, động cơ điện. Các thiết bị điện phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2014: Tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình.

H.T.

  • Tăng cường năng lực trong kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Vừa qua, tại TPHCM, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường tổ chức khóa đào tạo lần thứ 4 về phát triển năng lực xây dựng chính sách môi trường. Mục tiêu của khóa đào tạo là tìm hiểu về hệ thống các chế tài xử phạt trong kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, tổng tải lượng ô nhiễm, nghiên cứu trao đổi về các biện pháp ứng phó với tai nạn môi trường, trao đổi thảo luận về một số vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về ô nhiễm nước vùng ven biển, ô nhiễm nước từ hoạt động khai khoáng và vấn đề đối phó xử lý sự cố môi trường. Qua 3 năm thực hiện, Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam đã tiến hành rà soát, đánh giá về các chính sách hiện có về môi trường nước, phục vụ việc sửa đổi các chính sách hiện có hoặc xây dựng các chính sách mới; tổ chức các khóa đào tạo về xây dựng chính sách cho các cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi chính sách. Các chuyên gia Nhật Bản của Dự án đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kết quả và các bài học về quản lý môi trường nước từ cấp trung ương đến địa phương.

T.H.

  • Tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp – Hướng phát triển bền vững

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tiêu thụ đến 1/5 tổng điện năng tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp công nghiệp chiếm khoảng 40%. Chính vì thế, kết quả thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL) của đối tượng này tại TPHCM sẽ tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của cả quốc gia. Theo các chuyên gia, chi phí cho năng lượng và nhân công không ngừng tăng lên mỗi ngày gây áp lực lớn cho hầu hết các doanh nghiệp. Trong đó, so với việc giảm chi phí nhân công, việc thực hiện giải pháp TKNL dễ thực hiện và khả thi hơn nhiều. Theo khảo sát, sản phẩm của Việt Nam thường có giá cao hơn các nước trong khu vực chỉ vì giá năng lượng cao hơn. Do đó, việc giảm chi phí năng lượng sẽ rút ngắn chênh lệch giá sản phẩm và tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững. TKNL tại doanh nghiệp thường bắt đầu bằng hoạt động kiểm toán năng lượng để tìm ra tiềm năng TKNL, tính toán được lợi ích của việc thay đổi thiết bị, công nghệ, giá thành đầu tư và thời gian hoàn vốn… Việc kiểm toán năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp thấy được toàn cảnh bức tranh sử dụng năng lượng của mình và tùy theo nhu cầu, khả năng để quyết định lựa chọn giải pháp cải thiện phù hợp. Ngày nay, sử dụng hiệu quả tối ưu năng lượng, mà bản chất là đổi mới công nghệ, sẽ giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả toàn diện từ việc giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, tạo uy tín và tăng tính cạnh tranh trên thương trường.

M.K.

Tin cùng chuyên mục