Chị Trương Tứ Muối, Chánh văn phòng Hội, kể ngày còn khỏe, mỗi buổi sáng ông Tư Tân lại đến văn phòng hội ở số 137 Triệu Quang Phục (quận 5) để gặp gỡ chuyện trò với mọi người, đọc báo, kể chuyện.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, đông anh chị em ở xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Năm ông 12 tuổi, cha bệnh chết. Hai năm nữa thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông theo gia đình đi tản cư ở miệt Rạch Giá, cùng mẹ làm đủ thứ nghề lo cuộc sống gia đình. Năm 1949, khi tròn 18 tuổi, ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại cơ quan Hoa vận tỉnh Rạch Giá. Rồi từ đó, cuộc đời chàng thanh niên người Hoa gắn với công tác Hoa vận trong suốt những năm tháng dài của cuộc đời.
Công việc đầu tiên của ông là tham gia làm báo Đại Chúng - tờ báo chữ Hoa của Hội Giải - Liên (Hội Liên hiệp Giải phóng) tỉnh Rạch Giá để tuyên truyền phục vụ cách mạng. Năm 1954, khi có chủ trương tập kết cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam ra Bắc học tập, ông xin ở lại miền Nam cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ do cách mạng giao phó. Từ Bạc Liêu đến Cần Thơ, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Sài Gòn - Chợ Lớn, ông có thời gian đóng vai một thầy giáo để tìm cơ hội tuyên truyền, vận động nhiều người Hoa gia nhập hàng ngũ cách mạng. Ông được phân công tham gia thành lập Ban Hoa vận R tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nằm ở biên giới Việt Nam - Campuchia, chủ yếu tổ chức học tập và làm công tác giáo dục tư tưởng cho thanh niên người Hoa. Các bài giảng do ông trực tiếp phụ trách. Ông Tư Tân từng kể lại, ấy là “giai đoạn chúng ta phải giành nhau với địch từng người một”.
Từ năm 1975 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1997, ông đã đảm nhiệm các chức vụ Chánh văn phòng Ban Hoa vận Trung ương Cục, Phó Bí thư Đảng ủy cơ sở; Phó Trưởng ban Hoa vận; Phó Trưởng tiểu ban Công tác người Hoa thuộc Ban Dân vận Thành ủy kiêm Phó Trưởng ban Công tác người Hoa thuộc UBND TPHCM.
Suốt nhiều năm, cho đến ngày sức khỏe yếu đi, ông vẫn duy trì thói quen nghiên cứu, viết lách và sinh hoạt thường xuyên cùng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, trong đó có những cuốn khảo cứu, tìm hiểu về văn hóa người Hoa ở Nam bộ (viết chung với các tác giả Lưu Kim Hoa, Hà Tăng, Phan An).
89 năm cuộc đời, 65 năm tuổi Đảng, ông Trần Đại Tân vừa đi trọn một chặng đường dài, sống một đời thanh niên sôi nổi và một tuổi già bình yên bên gia đình. Trong căn nhà ở đường Tân Hưng (phường 12 quận 5), những kỷ vật một đời của ông đang được cháu con thu xếp lại, trước khi đưa ông về với đất quê xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nơi có nhà thờ họ mà ông tâm huyết dựng nên. Trong số ấy có những phần thưởng như Huân chương Độc lập hạng nhì; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân vận, Huy hiệu TPHCM và các bằng khen của UBND TPHCM…