Từ “chất cấm” nghĩ về hội nhập

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm và lo lắng về tình hình thực phẩm “bẩn”, đồ ăn thức uống không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trong đó, khái niệm “bẩn” lại không phải do rau, thịt bị dịch bệnh hoặc nhiễm vi sinh vật mà do có chứa dư lượng chất cấm độc hại như chất tăng trọng, kích nạc (salbutamol) và chất vàng ô tạo màu (vat yellow) vốn chỉ dùng trong công nghiệp, đã được xác nhận là chất gây ung thư...

Nhưng còn tệ hơn là các hóa chất độc hại đó lại không phải do người chăn nuôi trộn vào khi nuôi heo và gia cầm mà được các đại lý kinh doanh hoặc thậm chí là cơ sở sản xuất trộn vào thức ăn chăn nuôi trước khi bán ra thị trường. Rõ ràng, đây là hành vi không thể chấp nhận, vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm, liên quan đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự bất lực của cơ quan chức năng.

Lại nói thêm về thức ăn chăn nuôi, điều nghịch lý khó coi là bao lâu nay, ngành chăn nuôi của chúng ta vốn đã nhiều phen lận đận vì dịch bệnh và bấp bênh về giá cả, thị trường thì đến nay vẫn chủ yếu phụ thuộc nhập ngoại, cụ thể là giống và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng như nhiều chuyên gia về nông nghiệp đều cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam đang phải nhập khoảng 10-11 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD (tức là xuất khẩu gạo không bù lại nhập nguyên liệu cho ngành chăn nuôi). Quá phụ thuộc là nguyên nhân sản phẩm chăn nuôi không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như sản xuất nông nghiệp và cũng là điều chúng ta không thể thông cảm. Bây giờ, có thêm vấn nạn chất cấm xuất hiện ngay trong thức ăn chăn nuôi càng khó mà làm ngơ được. Qua những gì mà dư luận phản ánh và cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, chất lượng thức ăn chăn nuôi cũng như an toàn thực phẩm đã ở mức báo động đỏ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong cả nước mà còn đáng lo lắng nữa là ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu cũng như uy tín của hàng nông sản Việt Nam.

Cũng không cần nói đâu xa, gần đây chúng ta đang bàn nhiều về thời cơ và thách thức khi hội nhập, đặc biệt là việc gia nhập thị trường chung của TPP, hàng hóa nông sản Việt Nam sẽ đứng ở đâu, liệu có đủ sức cạnh tranh với xu thế của nông sản ngoại giá rẻ, thuế suất bằng 0% tràn vào nội địa, hay là bó tay chấp nhận “thua trắng ngay trên sân nhà”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đơn vị được giao quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng như hoạt động chăn nuôi trong nước, để hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp cần có chính sách phòng vệ thương mại khi hội nhập. Nhưng chắc chắn rằng, dù có thiết lập hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại thế nào thì chính người tiêu dùng trong nước cũng sẽ tự tẩy chay rau, thịt nội nếu liên tục xuất hiện các vụ sản xuất bẩn, không an toàn và sẽ tìm đến nông sản nhập khẩu có chất lượng. Trên thực tế, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại là cần nhưng không thể bảo hộ cho sản xuất bẩn, công nghệ lạc hậu, trình độ yếu kém và làm ăn gian lận, chụp giật.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, chăn nuôi và thủy sản sẽ là những ngành mang lại giá trị kinh tế cao trong tương lai, vì vậy bên cạnh thúc đẩy chỉ số tăng trưởng thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, năng suất... thì giải pháp để kiểm soát chặt chất lượng và an toàn thực phẩm là phải hoàn thiện và bổ sung, thống nhất các văn bản quản lý chất cấm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu cả thức ăn chăn nuôi và kháng sinh, hóa chất dùng trong y tế có thể sử dụng được trong chăn nuôi. Và để thực sự hiệu quả thì phải nâng mức xử phạt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bổ sung quy định dùng chất cấm trong chăn nuôi cũng là tội ác và bị truy tố theo pháp luật hình sự. Thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện cần và đủ để ngành chăn nuôi Việt Nam có thể cạnh tranh khi hội nhập quốc tế, trước mắt là TPP.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục