Từ chiến lược đến hành động

Đầu năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” và đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có một chiến lược rõ ràng, với những mục tiêu khá cụ thể. Theo đó, từ nay đến năm 2020 phải vô địch SEA Games hay AFF Cup 1 lần, lọt vào tốp 15 châu Á, hoàn thiện toàn bộ hệ thống thi đấu nội địa để tạo cơ sở hướng tầm nhìn đến năm 2030, trở thành một trong 10 quốc gia mạnh nhất của bóng đá châu lục.

Chiến lược này mất đến 3 năm soạn thảo và cũng đã đặt các chỉ tiêu vừa phải, sát sườn hơn sau khi bóng đá Việt Nam chịu hậu quả nặng nề từ sự sa sút của V-League và các đội tuyển quốc gia. Giới chuyên môn đánh giá rất cao chiến lược này bởi nó giống như kim chỉ nam giúp những người điều hành bóng đá có những cơ sở cụ thể để đi từng bước, khác hẳn kiểu mục tiêu phi thực tế như “lọt vào vòng chung kết World Cup 2018” ở bản đề án chiến lược 2000-2020 do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 3 soạn thảo trong chương trình “Tầm nhìn châu Á”.

Ấy vậy nhưng, dù chiến lược đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể, đến nay sau 2 năm, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ, các mục tiêu vẫn khá mơ hồ trong công tác thực hiện. Cụ thể như khả năng đoạt huy chương vàng SEA Games được ấn định vào năm 2019 để “chờ lứa U.19” trong khi lẽ ra với thành tích vào tứ kết Asiad 17, đoạt vé dự vòng chung kết giải U.23 châu Á 2016 vừa qua thì tại SEA Games 28 sắp đến, đội tuyển U.23 cần đặt mục tiêu vào chung kết để tạo tiền đề cho kỳ SEA Games sau chứ không thể đăng ký chung chung là “vượt qua vòng đấu bảng”.

Hoặc như với đội tuyển quốc gia, được Liên đoàn Bóng đá châu Á xếp trong nhóm 16 đội mạnh nhất, nhưng đến lúc này vẫn chưa có một nghị quyết nào của VFF xác định mục tiêu của đội tuyển là phải vào vòng chung kết Asian Cup 2019, nơi sẽ có đến 24 đội tranh tài.

Trong khi đó, toàn bộ hệ thống thi đấu của các giải nội địa từ hạng ba lên V-League hiện chỉ khoảng 60 câu lạc bộ, trong khi mục tiêu của chiến lược là ít nhất đến năm 2020 phải có 7.000 câu lạc bộ bóng đá phong trào. Đề án đặt cược bóng đá hiện chỉ nằm trên bàn thảo luận dù hạn chót của chiến lược là đến năm 2016 phải triển khai để lấy nguồn phúc lợi từ việc cá cược, đầu tư cho các học viện bóng đá trẻ quốc tế khắp 3 miền cũng như dùng làm cơ sở để chuyển đổi mô hình chuyên nghiệp của V-League và tiến đến xây dựng chiến lược “tốp 10 châu Á 2030”.

Trong chiến lược nói trên, VFF đóng vai trò người thực hiện chính. Thế nhưng, ngay các mục tiêu cụ thể cho những đội tuyển trong năm 2015 cũng có độ vênh khá xa so với kỳ vọng. Tương lai của bóng đá Việt Nam hiện thời chỉ mới đặt trọng tâm vào một nhóm cầu thủ U.19 đến từ Học viện HA.GL - Arsenal, trong khi từ những đề án quy mô như cải tổ chất lượng V-League, đẩy mạnh cổ phần hóa các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, cho đến một phần việc rất nhỏ như bổ nhiệm chức danh giám đốc kỹ thuật để xây dựng bản sắc cho các đội tuyển hiện chưa thấy đề cập đến.

Bóng đá Việt Nam luôn than thở là thiếu cơ sở pháp lý cũng như sự ủng hộ từ Nhà nước trong quá trình phát triển, thế nhưng ngay khi đã có hẳn một chiến lược được Chính phủ cân nhắc suốt 1 năm để phê duyệt thì quá trình thực hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Tầm nhìn xa chưa thấy, ngay cả những mục tiêu gần, vừa sức cũng lại khá mơ hồ. Nếu không quyết liệt hành động, không có con người để thực hiện, dù có bao nhiêu chiến lược được soạn thảo kỹ càng đến đâu cũng chỉ là lý thuyết mà thôi.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục