Sáng 4-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục đại học và Luật Quảng cáo. Theo các đại biểu, cả hai dự luật này đều còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, nhất là Luật Giáo dục đại học.
Phải làm rõ khái niệm ĐH vì lợi nhuận và phi lợi nhuận
Dự án Luật Giáo dục đại học đã được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 2-11. Đây là lần thảo luận đầu tiên của đại biểu Quốc hội về dự án Luật được xã hội đặc biệt quan tâm này.
Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ luật tiếp cận theo hướng giao tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào vẫn cần làm rõ thêm trong dự luật. ĐB Huỳnh Thành Đạt (TPHCM) cho rằng không phải tất cả các trường đều có khả năng tự chủ. “Dự luật đề cập 6 vấn đề tự chủ, nhưng 3 điều quan trọng là tự chủ về tổ chức nhân sự, tài chính và cơ sở vật chất. Trong đó, tự chủ về tài chính là khó nhất, nhưng dự luật lại chưa xác định rõ các điều kiện để giao tự chủ về tài chính. Nếu được tự chủ các thứ khác mà chưa tự chủ tài chính thì khó làm. Vì vậy, dự luật cần làm rõ thêm điều này”, ĐB Huỳnh Thành Đạt phát biểu.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng nói, tự chủ đang là điều mong mỏi nhất của hơn 300 trường công lập trong tổng số 400 trường ĐH-CĐ. Nếu như 80 trường tư được tự chủ về tài chính thì các trường công luôn vật vã về điều này. “Ngân sách nhà nước dành cho trường công ít, học phí thấp, không bảo đảm chất lượng là điều dễ hiểu. Tôi đề nghị ngân sách của ĐH nên dành hết cho mầm non. Với ĐH, Nhà nước chỉ cấp tiền để xây trường là đủ, còn lại để trường ĐH công tự chủ tài chính, để họ được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Trước thực tế một số địa phương phân biệt đối xử với sinh viên tốt nghiệp trường ĐH công lập và dân lập, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng để tránh tình trạng này cần có một cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo của các trường và công bố để từ đó xã hội, sinh viên có sự lựa chọn thay vì phân biệt một cách cảm tính. Theo ý kiến nhiều ĐB, để nâng chất lượng sinh viên ra trường cũng cần có chế tài nghiêm khắc đối với những trường không đáp ứng được yêu cầu.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cơ sở giáo dục tư thục không vì lợi nhuận, vì lợi nhuận là thế nào, cần phải nói rõ hơn, phân chia rõ. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, không nên nói ĐH tư thục phi lợi nhuận. Đã tư thục thì phải có lợi nhuận, vấn đề là phải bảo đảm chất lượng đào tạo để xã hội chấp nhận, điều đó cũng đi liền với uy tín của trường. Luật chỉ cần đưa ra yêu cầu “tư thục là phải bảo đảm chất lượng”.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cũng đề nghị quy hoạch mạng lưới ĐH-CĐ tới đây cần bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với ĐH-CĐ. Đến 2020 chỉ nên còn 2 cấp quản lý: Bộ GD-ĐT, tỉnh thành. “Tỉnh thành quản lý để nhằm bảo đảm phục vụ đào tạo nhân lực cho các địa phương đó; còn lại Bộ Giáo dục quản lý hết các mặt khác. Ngoài ra, nên dừng thành lập ĐH-CĐ mới”, ĐB Thúy đề nghị.
Tăng chế tài xử phạt quảng cáo thiếu sai
Với dự án Luật Quảng cáo, nhiều ĐB băn khoăn về những quy định còn chưa rõ ràng. Tại tổ TPHCM, ĐB Hoàng Trọng Phước đề nghị cấm toàn bộ quảng cáo rượu. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, dự án luật chỉ cấm quảng cáo rượu trên 30 độ. Bà nhận định: “Đây là một bước lùi so với Pháp lệnh quảng cáo, vì hiện nay cấm quảng cáo rượu trên 15 độ. Về mặt y tế, tôi cực lực phản đối”. ĐB Hoàng Trọng Phước và nhiều ĐB khác cũng cho rằng chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn nhẹ. Người ta thu tiền tỷ để quảng cáo bất hợp pháp, trong khi bị xử phạt chỉ vài chục triệu đồng thì không có tác dụng gì, cần tăng biện pháp chế tài xử phạt.
Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Luật Quảng cáo ra đời cần giải quyết được 3 vấn đề tồn tại lớn hiện nay. Thời lượng quảng cáo quá nhiều; tính trung thực trong quảng cáo, nhất là những thông tin sai sự thật trong thuốc chữa bệnh thì ai chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý quảng cáo hay cơ quan báo chí; chế tài xử phạt các vi phạm. Luật này đã tăng mức xử phạt, từ 2,5 triệu đến 200 triệu đồng. Đã quy định hành vi rõ nào bị xử phạt. Tuy nhiên, vẫn chưa làm rõ về vấn đề thời lượng quảng cáo cũng như trách nhiệm đối với việc quảng cáo thiếu trung thực về những sản phẩm thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
P.THẢO – NG.QUANG
| |