Hôm nay 2-11, dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Chính phủ trình Quốc hội. Với rất nhiều nội dung mới cơ bản, dự án luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động GDĐH, cụ thể hóa các quy định khung của Luật Giáo dục về GDĐH đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá nâng cao chất lượng GDĐH trong tương lai.
GDĐH luôn là lĩnh vực gây nhiều chú ý của dư luận vì còn nhiều hạn chế và cũng luôn là nỗi bức xúc lớn của xã hội trong nhiều năm qua. Bộ GD-ĐT khi bắt tay vào xây dựng dự án luật này đã thừa nhận phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học. Hiện tượng thành lập mới, nâng cấp thành trường ĐH ồ ạt, nhất là ĐH ngoài công lập trong những năm qua, trong đó có nhiều trường ĐH dạng “3 không”: không cơ sở, không đội ngũ, không chất lượng khiến dư luận xã hội đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Thuật ngữ ĐH “mọc như nấm” gần như trở thành câu nói cửa miệng khi đề cập đến giáo dục trong thời gian qua. Việc hàng loạt sinh viên ra trường tay cầm tấm bằng nhưng không làm việc được, doanh nghiệp muốn sử dụng phải mất công đào tạo lại trở thành phổ biến trong xã hội. Đỉnh điểm, mùa tuyển sinh 2011, hàng loạt trường ngoài công lập đã tung nhiều chiêu thu hút thí sinh, trong đó có cả việc rải tiền mặt “câu” thí sinh khiến xã hội không khỏi bàng hoàng. Rồi đến quyết định không tuyển sinh viên dân lập làm công chức của tỉnh Nam Định đã khiến ngành GD-ĐT phải thực sự giật mình. Vì lẽ đây là cảnh báo của xã hội về chất lượng đào tạo vừa không đáng tin cậy vừa đã đến lúc cần báo động đối với nhiều trường ngoài công lập. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên: hiện nay đang “loạn” kỹ sư, cử nhân chất lượng kém.
Trong bối cảnh đó, dự án Luật GDĐH ngay từ khi mới được hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản biện gay gắt của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành và bản thân nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng sau nhiều lần tiếp thu, dự thảo luật đã được điều chỉnh nhiều. Bộ GD-ĐT cam kết dự luật ra đời sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa hệ thống các trường ĐH. Cơ sở GDĐH đủ điều kiện sẽ được giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định phương thức tuyển sinh, chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT sẽ không làm thay chuyên môn cho các trường, thay vào đó sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra. Đồng thời, hệ thống các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục sẽ luôn “nhòm ngó” hoạt động của các trường và công khai chất lượng đào tạo của họ. Chất lượng trường càng tốt, càng được giao nhiều quyền tự chủ hơn và ngược lại. Việc xếp hạng các trường ĐH cũng sẽ được tiến hành. Vì vậy, với việc trường được quyền in và cấp bằng cho người học thì giá trị của tấm bằng đó sẽ được xã hội trực tiếp đo đếm.
Với quan điểm này, nếu như Luật GDĐH ra đời, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến chất lượng của toàn hệ thống. Để được giao quyền tự chủ (điều các trường luôn mong mỏi), bản thân từng trường sẽ phải củng cố lại các điều kiện hoạt động của mình. Để tấm bằng có uy tín với thị trường, trường sẽ phải có ý thức nâng cao chất lượng đào tạo để có một kết quả kiểm định đẹp. Đó cũng là con đường sống còn của trường khi muốn thu hút thí sinh. Tuy nhiên, có đạt tới mục tiêu đó hay không, ngành GD còn quá nhiều việc phải làm, quan trọng nhất là việc thành lập hệ thống trung tâm kiểm định độc lập về GDĐH. Mặt khác, việc giao tự chủ cho các trường phải hết sức minh bạch, không diễn ra tình trạng xin - cho… Tất cả những điều này đang được xã hội trông đợi.
Phan Thảo