Tự chủ giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn - Bài 2: Đổi mới tư duy quản trị đại học

Phát triển các trường đại học (ĐH) thành ĐH, thành lập trường thuộc trường ĐH là những điểm mới của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) nói chung và Nghị định 99 về hướng dẫn thi hành Luật số 34 nói riêng. Đây cũng là giải pháp để có thể xây dựng một số ĐH mạnh, làm đầu tàu và biểu tượng quốc gia trong thời kỳ đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức.  

Tái cấu trúc để thực hiện tự chủ

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ, các trường ĐH của Việt Nam chủ yếu là đơn lĩnh vực, các đơn vị trực thuộc bên trong nó cần được tái cấu trúc để thực hiện quản trị và tự chủ hiệu quả. Hiện nay, mô hình các khoa truyền thống đã quá bất cập, không hỗ trợ phát triển các vấn đề liên ngành, như các chương trình đào tạo và dự án nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là hoạt động đổi mới sáng tạo.

"Với xu hướng tự chủ của thế giới và Việt Nam, mô hình các trường ĐH đổi thành ĐH và thành lập các trường trực thuộc là tất yếu. Tuy nhiên, cần phải thẩm định các điều kiện và năng lực đã đáp ứng yêu cầu hay chưa, phải thực chất chứ không phải là trào lưu, tránh dấu hiệu... bùng phát. Nếu hội đủ điều kiện thì sẽ là một sự thay đổi thậm chí đột phá về quản trị ĐH hiện đại, nếu không đủ điều kiện, năng lực không đáp ứng, chạy theo trào lưu hay lạm dụng luật cho phép thì sẽ chỉ là hình thức và chắc chắn không bền vững, thậm chí phản tác dụng" - TS TRẦN ĐÌNH LÝ
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM

Mô hình khoa và bộ môn chỉ phù hợp với đào tạo và nghiên cứu đơn ngành, với việc viết bài báo và công bố quốc tế. “Sự thành công của các ĐH luôn chứa đựng rủi ro và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lãnh đạo (quản trị ĐH). Việc tổ chức mô hình trường trong trường tạo điều kiện phân cấp tự chủ, trao quyền lãnh đạo để dẫn dắt sự phát triển, tạo động lực, đồng thời giảm thiểu rủi ro tập trung. Có thể nói gọn phát triển trường ĐH thành ĐH là quá trình tái cấu trúc để thực hiện tự chủ”, PGS-TS Nguyễn Hữu Đức nói. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, nếu chỉ thay “áo mới” cho các trường ĐH thôi thì chưa mang lại được điều gì. Ngay như 2 ĐH Quốc gia, hơn 1/4 thế kỷ đã qua, mặc dù đã thành công trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện. ĐH Quốc gia cũng như các ĐH vùng, nếu không làm giảm chi phí cận biên và không có giá trị gia tăng thì tự nhiên lại thêm một cấp lãng phí và cản trở phát triển. Do đó, việc tổ chức lại và phát triển trường ĐH thành ĐH cần phải được “mô phỏng” cẩn trọng, tránh duy ý chí; cần phải xây dựng và sử dụng bộ tiêu chí và công cụ phân tích đủ mạnh để xác định xem quá trình chuyển đổi và mô hình chuyển đổi có khả năng thành công hay không. Đồng thời với đó là công tác quy hoạch hệ thống và mạng lưới, nhất là đối với các trường ĐH công lập. 

Bên cạnh việc tái cấu trúc và phát triển từ bên trong, việc tích hợp thêm sự tham gia của một số trường ĐH từ bên ngoài cũng có thể là một cách đi nhanh, được tạo đà nhờ các nguồn lực đã có. Nếu một số trường ĐH đơn ngành có thể vượt qua được sự cục bộ, cùng hướng đến lợi ích chung, cùng tự nguyện liên kết lại thành ĐH thì sẽ rất hiệu quả. 

Đừng làm theo kiểu “bình mới rượu cũ” 

Với kinh nghiệm quản lý 2 nhiệm kỳ Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, cần nhìn nhận trên quan điểm và bối cảnh toàn cầu hóa và xem việc phát triển từ trường ĐH thành ĐH là chuyện bình thường trong hệ thống GDĐH. Trên thế giới, trong trường ĐH có các trường trực thuộc (school) là rất phổ biến. Đây cũng như một khoa nhưng được giao quyền tự chủ cao hơn. School không có hội đồng trường (HĐT). Nếu cấp khoa thì hiện nay ban giám hiệu quyết hết mọi việc, còn school thì được tự quyết một số việc theo quy chế hoạt động mà hội đồng trường thông qua, kể cả kinh phí, dù không có tài khoản độc lập. Còn khi ĐH có trường ĐH trực thuộc thì đây lại là một hệ thống ĐH đa lĩnh vực hoạt động bổ sung nhau theo cơ chế quản trị phức tạp hơn. Trường trực thuộc có HĐT và việc thành lập trường ĐH trực thuộc sẽ nằm trong quy hoạch hệ thống GDĐH quốc gia được Thủ tướng phê duyệt. Việc phát triển từ trường ĐH thành ĐH có thể từ 1 trường hoặc sáp nhập trường ĐH khác về. Việc này do HĐT thảo luận, quyết định và nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, uy tín của nhà trường. 

Quá trình phát triển các trường gắn với 2 việc lớn: tự chủ của các trường, tự chủ là phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội theo quy định của pháp luật; việc quản lý nhà nước, giám sát của Bộ GD-ĐT, trong đó kiểm định chất lượng là một công cụ luật định. Tóm lại, đây là vấn đề lớn nên chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nếu  quyết tâm làm thì dần dần đâu đó sẽ đi vào nền nếp. Khi đó, sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy văn hóa chất lượng và là vấn đề sống còn của các trường. Nếu trường nào làm không thực chất thì theo quy luật cạnh tranh, trường đó sẽ thất bại và người học sẽ quay lưng. 

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, xu hướng thành lập trường trong trường sẽ có tác động theo hướng tích cực. Khi phân cấp, phân quyền nhiều hơn, cả về phân cấp quản lý và kinh phí, các trường ĐH sẽ chủ động và phát triển theo hướng tự chủ toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, mức độ thành công còn tùy thuộc vào mức phân cấp, đặc biệt là phân cấp về kinh phí hoạt động. Nếu được phân cấp về quản lý nhưng không phân cấp về kinh phí sẽ là một lực cản lớn và cấp dưới có cảm giác “mặt trận” sẽ phải gồng mình trả chi phí cho các cấp trung gian trong quản lý, sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức.

PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC:

Thúc đẩy nhanh quy hoạch lại các trường sư phạm

Không phải cứ phát triển thành ĐH là tất cả đều kỳ vọng tiếp tục trở thành như hai ĐH Quốc gia hiện nay. Việc thành lập hai ĐH Quốc gia ở nước ta có hoàn cảnh, yêu cầu và sứ mệnh lịch sử của nó, rất cần thiết nhưng không nên đại trà. Thêm vào đó, cần phải thúc đẩy nhanh quá trình quy hoạch lại các trường sư phạm. Mặc dù cho đến nay chưa có ý tưởng nào đề nghị phát triển một trường ĐH sư phạm thành ĐH.

Tuy nhiên, nếu có, nên phát triển thành các ĐH, trong đó có trường sư phạm là một thành viên, chứ không phải phát triển thêm các lĩnh vực kinh tế và công nghệ kỹ thuật từ cái lõi sư phạm. Trong tiến trình đổi mới căn bản, phát triển sư phạm với sự hỗ trợ và đồng hành của tư duy và nền tảng đổi mới sáng tạo là một giải pháp nên được quan tâm. Tư duy và phương pháp giáo dục cần phải được nuôi dưỡng và bổ sung thêm từ tư duy và tiếp cận các ngành kinh tế và kỹ thuật khác.

Tin cùng chuyên mục