Tự chủ kèm với trách nhiệm xã hội

Bộ GD-ĐT vừa tổng kết 3 năm thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010 - 2012. Đây có thể coi là khoảng lặng cần thiết để ngành giáo dục nhìn lại những gì đã làm được trong 3 năm qua, nhằm tạo sự khởi sắc cho GDĐH - một bức tranh còn nhiều màu xám. Nhìn lại 3 năm để đề ra những gì phải làm cho 2 năm tới, để sau năm 2015, GDĐH có thể tự tin khẳng định chất lượng đã được chuyển biến rõ rệt như kỳ vọng của Chính phủ, của xã hội.

3 năm qua là quãng thời gian xã hội nhìn thấy rõ nhất quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong chấn chỉnh các sai phạm của khối GDĐH. Bộ đã kiểm tra việc thực hiện cam kết của 87 trường ĐH-CĐ. Hầu hết các trường đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên nhiều trường có số lượng giảng viên cơ hữu không đầy đủ, 7 trường có dưới 50 giáo viên cơ hữu (trường ĐH Thành Tây, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Thành Đông, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội…), 4 trường chưa có đất như đã cam kết…

Vì vậy, trong năm 2012, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh của 4 trường ĐH-CĐ; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 8 trường ĐH-CĐ. Điều này đưa đến một tác động tích cực, đó là đánh động vào toàn hệ thống để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực GĐĐH. Hầu hết các trường, các ngành bị đình chỉ tuyển sinh sau đó đều đã khắc phục khiếm khuyết và đã được tuyển sinh trở lại.

Cũng phải kể đến thành quả có được từ việc tiến hành đào tạo theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiệp. GDĐH đã tập trung đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành như y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng và giao thông, tài chính - ngân hàng, du lịch, quốc phòng… Lần đầu tiên, dư luận đã thấy Bộ GD-ĐT lên tiếng cảnh báo thí sinh về những ngành nghề đã rơi vào tình trạng dư thừa cũng như tạm ngừng không cho thành lập mới ngành đào tạo bão hòa. Có vẻ như, GDĐH đã dần đi vào quỹ đạo ổn định hơn, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hơn là nhắm mắt đào tạo lấy được như những năm trước.

Rõ ràng, tuy đã nỗ lực, nhưng chính Bộ GD-ĐT thừa nhận: “các công cụ pháp lý giúp cho công tác quản lý nhà nước chưa được hoàn thiện; thiếu các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo”. Vì vậy, từ nay đến năm 2015, ngành GDĐH còn quá nhiều việc phải làm để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay nhằm tạo ra những chuyển biến rõ rệt về chất lượng GDĐH sau năm 2015. Bộ GD-ĐT cũng đã xác định rõ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thành lập trường và bảo đảm chất lượng GDĐH; việc thực hiện quy định pháp luật về liên kết đào tạo, tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, các điều kiện mở ngành đào tạo; việc thực hiện giao quyền tự chủ và gắn với trách nhiệm xã hội của các trường ĐH. Cùng với đó, thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các khối ngành để tư vấn cho Bộ trưởng những vấn đề liên quan đến phát triển ngành, hoạt động của các trường và phối hợp chia sẻ nguồn lực giữa các trường. Phấn đấu đến năm học 2014 - 2015, chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT xác định rõ, giữ vững ổn định quy mô, đi vào nâng cao chất lượng đào tạo.

Xã hội đang đòi hỏi ngành giáo dục phải nâng chất lượng GDĐH 2014 - 2015, nhất là khi Luật GDĐH đi vào cuộc sống. Với Luật GDĐH, Chỉ thị đổi mới của Thủ tướng và tới đây là Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, xã hội rất mong ngành giáo dục phải chớp lấy cơ hội này để thực hiện đổi mới GDĐH hiệu quả. Một trong đòi hỏi cấp thiết nhất đó là ngành giáo dục phải thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ cho các trường. Luật GDĐH đi vào cuộc sống càng sâu rộng, thuộc tính tự chủ càng được thể hiện mạnh mẽ. Tự chủ nhưng phải đi liền với trách nhiệm xã hội và giải trình xã hội, tránh tình trạng như hiện nay tự chủ ĐH mới chỉ dừng ở việc giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, khuyến khích các trường đủ điều kiện tự tổ chức tuyển sinh. Tự chủ mà thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước bằng các công cụ quản lý hữu hiệu sẽ dẫn tới nhiều sai phạm trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà thời gian qua xã hội đã rất bức xúc với các vụ việc ở trường ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM, Cao đẳng Kinh tế tài chính Thái Nguyên, CĐ Tài chính Hải quan, Cao đẳng ASEAN... Xã hội đòi hỏi ngành giáo dục phải nhanh chóng triển khai công tác kiểm định chất lượng. Khi công cụ quản lý nhà nước trở lên hữu hiệu, cộng với ý thức thực hiện chấp hành kỷ cương pháp luật ở nhiều trường nghiêm túc thì việc giao quyền tự chủ sẽ hạn chế các sai phạm. Một khi các sai phạm, yếu kém được hạn chế thì chất lượng GDĐH sẽ được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đất nước sau năm 2020.


LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục