Tính đến thời điểm này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã không có tổng thư ký 5 tháng và đã 2 lần hoãn đại hội thường niên. Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM cũng khuyết chủ tịch và tổng thư ký lâu hơn thế. Với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải mất 3 tháng mới có tân tổng thư ký nhưng đến nay ông Ngô Lê Bằng cũng chưa chứng tỏ được gì nhiều. Ngay chuyện tìm kiếm tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia cũng đi vào bế tắc trong quá trình thương thảo các ứng viên. Một số liên đoàn khác như quần vợt, cầu lông…cũng đang ở tình trạng tương tự.
Có người giải thích, thời buổi này tìm những người “vác tù và hàng tổng” rất khó nên chuyện các liên đoàn thiếu nhân sự cao cấp, biết làm việc là đương nhiên. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng: Vốn dĩ các liên đoàn từ trước đến nay không làm gì cả ngoài việc tìm nguồn kinh phí tổ chức vài giải đấu rồi hưởng tiền thù lao nên khi gặp lúc kinh tế khó khăn, họ không làm thì cũng… chẳng sao cả.
Cả 2 nguyên nhân trên đều không sai và chỉ là hệ quả của một nguyên nhân cốt lõi: Tính hiệu quả cũng như hình thức hoạt động của các liên đoàn thể thao vốn rất yếu. Lúc thuận lợi, đa số những vị trí chủ chốt đều được điều động từ cơ quan quản lý nhà nước sang kiêm nhiệm theo kiểu “chia phần”. Khi khó khăn, họ rút đi thì tự nhiên, chẳng ai còn đủ nhiệt tâm để tham gia nữa. Bởi biết đâu, đến thời điểm thuận lợi, các “cánh tay nối dài” kia quay trở lại. Bản chất hoạt động của các liên đoàn từ trước đến nay như thế, tự nhiên là sẽ dẫn đến thực trạng hiện nay.
Ông Trần Văn Nghĩa, một người có tiếng trong giới thể thao, khi còn làm Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, đã tiên phong tạo ra hàng loạt giải đấu nhờ khả năng vận động tài trợ và kinh doanh của mình. Nhưng chính ông, sau một thời gian chịu không nổi những màn đấu đá trong nội bộ đã xin nghỉ việc và đang điều hành rất thành công doanh nghiệp tiếp thị thể thao của mình. Hỏi có muốn tham gia các liên đoàn nữa không thì ông lắc đầu và lý giải: “Ngay chính những người trong bộ máy quản lý thể thao đâu có kém tài nhưng nếu họ muốn làm điều gì đó có lợi cũng còn không được. Người ngoài làm sao có thể phát huy năng lực trong môi trường như vậy. Ngành thể thao luôn ở trong thế tự cô lập mình”.
Nói đâu xa, từ khi Công ty VPF ra đời, vai trò của VFF càng ngày càng yếu đi trông thấy. Quyền quảng cáo của các đội tuyển quốc gia đã giao khoán cho một công ty nước ngoài. Chọn HLV cho đội tuyển quốc gia thì còn kém hiệu quả hơn cả Tổng cục TDTT, nơi vừa quyết định triệu tập HLV Phan Thanh Hùng lên tuyển làm nghĩa vụ. Các giải đấu lớn nhỏ hiện đều “bán cái” cho các cơ quan truyền thông… Tính hiệu quả của bộ máy VFF vốn đã kém, nay còn không thể hiện được gì. Mọi thứ đều xuất phát từ bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Chính vì vậy, dù Công ty VPF vẫn chưa làm được gì to tát nhưng xu thế của dư luận vẫn hết sức ủng hộ các ông bầu tại VPF bởi ít ra, vẫn thấy rõ quyết tâm làm việc của công ty này.
Việt Quang