Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, 11 tháng của năm 2015, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm, trong đó số vụ giảm 11,3%, số người chết giảm 3,6%, số người bị thương giảm 15,5% so với cùng kỳ 2014.
Như vậy, liên tục từ năm 2012 đến nay, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thể khiến chúng ta an lòng, bởi trung bình mỗi ngày vẫn còn 24 người chết, hơn 70 người bị thương vì TNGT.
Những thông tin, hình ảnh về TNGT cập nhật hàng ngày cho thấy, tử thần còn đang rình rập đâu đó ở mọi cung đường. Và không có gì bảo đảm rằng, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ bình an trở về nhà sau mỗi ngày làm việc.
Chính vì vậy, sự vui mừng về kết quả TNGT giảm dường như mới chỉ “thoảng qua” ở hội nghị ATGT Việt Nam 2015 được tổ chức ngày 26-11 tại Hà Nội. Đây là một hội nghị về chủ đề ATGT có quy mô lớn nhất trong năm 2015 và cũng là lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 600 đại biểu đại diện Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ TT-TT cùng các chuyên gia, các nhà khoa học tên tuổi trong lĩnh vực giao thông. Hội nghị quy tụ hàng trăm báo cáo tham luận có chất lượng cao với những nghiên cứu công phu, mổ xẻ những bất cập về giao thông hiện nay như: hạ tầng giao thông chất lượng kém và chưa đồng bộ, cách tổ chức giao thông thiếu linh hoạt, chất lượng phương tiện giao thông chưa được kiểm soát chặt, ý thức của người tham gia giao thông và kỹ năng ứng phó sau TNGT còn kém…
Bên cạnh đó, những sáng kiến, kiến nghị của các nhà khoa học nhằm cải thiện tình hình TNGT cũng được chia sẻ một cách đầy tâm huyết. Thế nhưng, theo các chuyên gia, vẫn rất khó để nói rằng, sau hội nghị lần này, cũng như sau những hội nghị như thế này, TNGT sẽ được kéo giảm như chúng ta mong muốn.
Vì sao niềm tin vào việc kéo giảm TNGT một cách hữu hiệu lại mong manh như vậy? Theo TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty FPT, việc đưa ra các giải pháp hay là cần thiết nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu, đưa các giải pháp đó vào thực tiễn như thế nào mới là vấn đề quan trọng và là khâu quyết định sự thành bại. Thực tế đã cho thấy, tại rất nhiều hội nghị, hội thảo được Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT tổ chức trước đó, không ít giải pháp được cho là hay và mạnh đã được đưa ra nhưng việc áp dụng vào thực tế đều gặp khó khăn và vì thế đều không phát huy hiệu quả. Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ thông tin được cho là giải pháp tích cực trong bối cảnh hạ tầng giao thông quá tải như hiện nay, thế nhưng việc đưa những ứng dụng này vào thực tế đang rất phức tạp, mất quá nhiều thời gian, khiến cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hóa nản lòng. Chẳng hạn, giải pháp tích hợp thông tin giao thông, cập nhật từ nhiều nguồn, chia sẻ đến các bảng điện tử, các thuê bao điện thoại di động, được đề xuất từ năm 2014 nhưng hơn một năm nay vẫn chưa thể thực hiện.
Tương tự, việc thí điểm triển khai ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm trên một số tuyến đường cao tốc và quốc lộ theo mô hình xã hội hóa được đề xuất từ năm 2014, lẽ ra phải được thực hiện trong tháng 8-2015 nhưng cuối cùng lại lùi đến tháng 1-2016 mới có thể thực hiện. Điều đó có nghĩa không biết đến bao giờ việc ứng dụng camera giám sát xử lý vi phạm mới được ứng dụng trên các tuyến cao tốc hiện nay, trong khi đó, TNGT trên đường cao tốc đang là vấn đề cực kỳ nóng bỏng. Ngoài ra, việc ứng dụng khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô, bắt đầu triển khai từ 2013 nhưng đến nay chỉ có khoảng 70% số phương tiện thực hiện, có 35% số sở GTVT địa phương có báo cáo xử lý, dẫn đến giải pháp được cho là hữu hiệu ngăn chặn tai nạn xe khách đường dài đã bị mất tác dụng rất nhiều. Hoặc việc ứng dụng kinh nghiệm quốc tế trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng được cho là một giải pháp hay nhưng kết quả sau thí điểm lại trôi vào quên lãng, trong khi TNGT do sử dụng rượu bia vẫn đang tăng lên…
Vấn đề ở đây là giải pháp đã có nhưng việc thực hiện các giải pháp lại còn quá nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách cho đến sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các lực lượng chức năng. Giải pháp hay mà không được triển khai nhanh chóng, triệt để, không kiên trì, không có sự giám sát chặt chẽ thì mãi vẫn chỉ mang lại kết quả nửa vời. Đó là lý do mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã nhấn mạnh, những kết quả nghiên cứu tốt, những giải pháp hay kết tinh từ trí tuệ, tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà khoa học và cả cộng đồng cần được ứng dụng vào thực tế một cách mạnh mẽ, triệt để hơn bao giờ hết thì mới mong kéo giảm TNGT. Để làm được như vậy, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện cho mọi giải pháp được thực hiện thông suốt.
BÍCH QUYÊN