Tự hào các thế hệ quân dân y Chiến khu Đ

Hôm nay, 11-4, tại Hội trường Thành phố (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM), các thế hệ y, bác sĩ của lực lượng quân dân y Chiến khu Đ đã tề tựu về dự buổi họp mặt truyền thống lần thứ 26.
Tự hào các thế hệ quân dân y Chiến khu Đ

Hôm nay, 11-4, tại Hội trường Thành phố (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TPHCM), các thế hệ y, bác sĩ của lực lượng quân dân y Chiến khu Đ đã tề tựu về dự buổi họp mặt truyền thống lần thứ 26.

Thật ý nghĩa vô cùng khi những người con của các miền quê có chung một tuổi trẻ hào hùng, chung một ý chí chiến đấu cho nước nhà độc lập được cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa…

Lời tri ân sâu sắc

Trao đổi với chúng tôi về quân dân y Chiến khu Đ, Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Văn Nhị, Trưởng ban Liên lạc (hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương) cho biết: “Ban Liên lạc quân dân y Chiến khu Đ là tổ chức tập hợp các thế hệ y - bác sĩ cách mạng của các tỉnh Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với cả nước, các y - bác sĩ quân dân y của miền Đông Nam bộ tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho các thương binh, cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Bản thân các thầy thuốc đã trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt nên sức khỏe ngày một yếu dần, nhiều người đã nghỉ hưu, ít có điều kiện để các đồng chí, đồng nghiệp gặp gỡ thăm hỏi nhau. Từ nguyện vọng thiết tha, chính đáng của hầu hết các thế hệ quân dân y Chiến khu Đ, Ban Liên lạc đã được thành lập vào năm 1989”.

Ban liên lạc thăm bác sĩ Nguyễn Thành Văn (áo pijama) tại nhà riêng.

Thời kỳ đầu, Ban vận động thành lập gồm các thầy thuốc tâm huyết đã tham gia khám chữa bệnh trên vùng Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ nhận trọng trách Trưởng ban Liên lạc, gồm: bác sĩ Võ Cương (nguyên Trưởng ban Quân dân y tỉnh Thủ - Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM); bác sĩ Nguyễn Thành Văn (nguyên Phó Chủ tịch UBND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo); Giáo sư - Viện sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Duy Cương (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế). Hiện nay, Trưởng ban Liên lạc là bác sĩ - Thầy thuốc nhân dân Huỳnh Văn Nhị. Quân y sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm và bác sĩ Trương Thị Mỹ Hạnh làm phó ban. Từ những nhân tố này, Ban Liên lạc đã dần huy động, mở rộng và phát triển như ngày nay.

Ban Liên lạc quân dân y Chiến khu Đ thành lập nhằm tạo điều kiện cho các thế hệ y, bác sĩ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, truyền thống tốt đẹp của những người thầy thuốc kháng chiến; thăm viếng, chia sẻ khó khăn với các đồng đội, đồng nghiệp khi bệnh tật hay hữu sự… Ban Liên lạc luôn quan tâm, động viên các thế hệ trẻ thông qua việc trao tặng học bổng cho các em sinh viên ngành y vượt khó, nhằm tiếp thêm nghị lực để các em tiếp tục vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Đặc biệt năm nay, họp mặt lần thứ 26, Ban Liên lạc đã thu thập tài liệu, tổ chức viết bài, biên soạn đặc san “Tự hào quân dân y Chiến khu Đ” gửi tới các cô chú, anh chị như một lời tri ân sâu sắc của thế hệ sau dành cho thế hệ đi trước.

Nhớ thời đạn bom để yêu chữ “hòa bình”

Chúng tôi đến thăm bác sĩ Đoàn Thúy Ba, Anh hùng Lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (hiện sống tại TPHCM). Gương mặt phúc hậu với nét dung dị của bà tạo cảm tình cho người đối diện ngay lần đầu tiên mới gặp. Cách bài trí đơn giản mà sang trọng ở phòng khách nhà bà cũng toát lên một vẻ chân chất, mộc mạc của người trí thức. Khi chúng tôi đến thăm, cô đang say sưa đọc ấn phẩm báo xuân của tỉnh Bến Tre gửi tặng, trong đó có bài và hình ảnh về quân dân y Chiến khu Đ một thời. Có đồng đội của bà từng vào sinh ra tử qua 2 cuộc chiến… Cô không nói nhiều về mình mà chỉ muốn nhắc nhở về đồng đội cũ. Cũng như cô Đoàn Thúy ba, gương mặt của Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Duy Cương tươi hẳn lên khi nhắc lại chuyện ngày kháng chiến, theo ông, mấy chục năm trước, các cô chú là những thanh niên căng tràn nhựa sống của tuổi thanh xuân. Chiến trường Đông Nam bộ in dấu chân những người lính, thầy thuốc không nề hà gian khó, tất cả quyết hy sinh cho non sông liền một dải. Nay, điều mong mỏi nhất là các thế hệ thầy thuốc sau này biết hy sinh, biết chăm lo tốt hơn cho người dân…

Với vai trò Trưởng ban Liên lạc, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị kể rằng mình chỉ là thế hệ đàn em, con cháu của các cô chú, anh chị quận dân y Chiến khu Đ. Ông nói: “Tôi rất tự hào về truyền thống những chiến sĩ áo trắng một thời hiên ngang, oanh liệt. Từ đó, cũng tự nhắc nhở mình phải làm nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước. Cùng với các cô chú anh chị trong Ban Liên lạc, chúng tôi dốc sức lực, tâm huyết thực hiện các chương trình nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi chia sẻ cũng như trao tặng học bổng cho các em sinh viên ngành y có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập để trở thành người thầy thuốc trong tương lai. Các cô chú cũng là những người anh, người thầy của tôi, người bạn chiến đấu của ba tôi nên tôi cảm thấy thân thương như người một nhà, cảm thấy vinh dự khi làm được việc gì ý nghĩa cho các thế hệ quân dân y Chiến khu Đ nói riêng và miền Nam nói chung”.

Về niềm tự hào của quân dân y Chiến khu Đ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tào (hiện sống ở TPHCM) cũng đã nhắc lại truyền thống của một thời oanh liệt và hết lời khen những người chiến sĩ áo trắng đã cứu ông nhiều lần bị thương ở chiến trường. Ông nói: “Lực lượng thầy thuốc của Chiến khu Đ hồi đó làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo, chiến sĩ và nhân dân trong điều kiện hết sức khó khăn. Tôi nhiều lần bị thương tưởng như chết đi nhưng đã được họ cứu sống. Điều này mãi mãi tôi không quên. Điều đáng khâm phục là dù vất vả, gian nan và nguy hiểm đến mấy thì họ vẫn kiên cường đi đến ngày thắng lợi vẻ vang của dân tộc”.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục