Tự làm khó chính mình

Như người Pháp đã làm trước đó 24 giờ, thành phần chính thức của đội tuyển Anh ở lượt trận chót với Slovakia đã thay đổi hàng loạt vị trí. Nhưng khác với người Pháp, tỷ số 0-0 chỉ giúp thầy trò Roy Hodgson về nhì. Theo báo chí Anh hôm qua, quyết định của Hodgson vừa sai lầm, phản tác dụng, lại vừa phơi bày những hạn chế trong lực lượng và có thể dẫn tới nhiều phiền toái khác nữa.

Như người Pháp đã làm trước đó 24 giờ, thành phần chính thức của đội tuyển Anh ở lượt trận chót với Slovakia đã thay đổi hàng loạt vị trí. Nhưng khác với người Pháp, tỷ số 0-0 chỉ giúp thầy trò Roy Hodgson về nhì. Theo báo chí Anh hôm qua, quyết định của Hodgson vừa sai lầm, phản tác dụng, lại vừa phơi bày những hạn chế trong lực lượng và có thể dẫn tới nhiều phiền toái khác nữa.

Trong mọi giải đấu lớn, việc thay đổi thành phần thi đấu - nhất là đổi tới 6 vị trí - thường chỉ diễn ra nếu lượt trận chót của bảng đấu chỉ còn mang tính thủ tục. Đội tuyển Anh của Roy Hodgson không hề ở trong tình thế đó. Trước khi gặp Slovakia, họ vẫn chưa chính thức có vé vào vòng trong, họ vẫn biết rất cần phải thắng để giành ngôi đầu bảng chung cuộc nhằm tìm được một hành trình thi đấu có lợi cho sau này. Do vậy, sau khi Hodgson chỉ đạt được kết quả hoà 0-0 với Slovakia, báo chí Anh đã “phán quyết” đúng: Nhà cầm quân này vừa tiến hành một canh bạc vừa mạo hiểm lại vừa sai lầm. 

Dáng vè thất vọng của Rooney và đồng đội.


 
Canh bạc ấy bị phản tác dụng bởi chính những lá bài Hodgson mang ra. Jamie Vardy và Daniel Sturridge là 2 chân sút có công ghi bàn cho đội tuyển Anh thắng ngược Xứ Gan 2-1 cách đây vài hôm. Thế nhưng, vào sân từ ghế dự bị ở trận ấy và tham gia ngay từ đầu ở trận này rõ ràng là 2 tâm lý khác hẳn. Vardy, một tiền đạo vốn phù hợp hơn với thế trận phản công, đã đón hụt cơ hội tốt nhất của hiệp đầu và nhạt nhoà hơn nữa ở hiệp nhì. Sturridge tỏ ra sáng tạo hơn đôi chút, nhưng vẫn chưa đủ để mang lại một cái gì đó biến hóa hơn, lợi hại hơn cho các pha phối hợp trong vòng cấm địa.

Các vị trí thay đổi ở phía dưới Vardy và Sturridge cũng vậy. Thay vì Danny Rose và Ian Walker như trước đây, bộ đôi hậu vệ biên ở trận cầu này là Ryan Bertrand và Nathaniel Clyne. Cả 2 đều rất cố gắng, đặc biệt là Clyne. Anh ta rất nhiệt tình lên bóng và cũng tích cực hỗ trợ phòng ngự. Mặc dù vậy, thực tế vẫn là Bertrand và Clyne không có khả năng giúp đội hình căng rộng thế công hoặc thọc sâu bằng những pha tốc độ như Rose và Walker thường làm. Chính vì thế, càng khó hiểu vì sao Hodgson bố trí lối chơi rất coi trọng sự tham gia của các hậu vệ cánh nhưng lại cất hết cả 2 hậu vệ cánh mạnh nhất của mình như thế này.
 
Ở khu vực trung tâm còn khó hiểu hơn nữa. Không sử dụng Rooney và Delle Alli trong thành phần xuất phát, điều đó có nghĩa là tự giảm đi kinh nghiệm điều tiết nhịp điệu cũng như khả năng gây đột biến. Đưa Jack Wilshere vào đá chính, anh ta chỉ phơi bày những gì mà báo chí Anh gọi là sự “hoen gỉ” sau gần 1 mùa bóng không thi đấu. Wilshere đã để mất bóng không biết bao nhiêu lần.
 
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhật báo Guardian hôm qua bình luận đội tuyển Anh ở trận này đã gây khó khăn cho chính mình một cách... lãng nhách. Về mặt con số, thống kê của trang web thể thao Sportinglife cho thấy họ cầm bóng 60,6%, dứt điểm 16 lần với 5 pha đúng hướng trong đó. Nhưng về mặt cảm xúc, những ưu thế vượt trội đó không mang lại gì hơn là những tiếng kêu la đầy sốt ruột trên khán đài, đòi Hodgson mau mau thay ngược những vị trí nòng cốt nhất như Rooney, Delle Alli và Harry Kane vào cuộc. Ưu thế mà thiếu biến hóa, liên tục chiếm lĩnh phần sân đối phương mà không thể vào tận mục tiêu, sút nhiều hơn hẳn mà vẫn 0-0 thì cũng chỉ nhàm chán, thất vọng mà thôi.
 
Và nếu chúng ta nhìn tới hành trình sắp tới thì sẽ còn ẩn chứa cả phiền toái nữa. Vì Xứ Wales bất ngờ thắng Nga 3-0, đối thủ này đã vọt lên đầu bảng B chung cuộc. Vì thầy trò Roy Hodgson chỉ về nhì, họ sẽ không được gặp đội thứ ba của bảng A, C hoặc D tại Paris ở giai đoạn 2. Thay vào đó, họ phải đối đầu đội nhì bảng F (bao gồm Bồ Đào Nha, Hungari, Áo, Iceland) ở Nice. Tức là có thể gặp đối thủ nặng hơn ở một nơi xa khỏi chỗ trú quân Chantilly.
 
Chưa hết, nếu thắng được trận đấu ấy, đối thủ tứ kết của đội tuyển Anh rất có thể là Pháp, và sân thi đấu là Stade de France. Khỏi phải nói đối thủ ấy, sân bóng ấy sẽ áp lực kinh hồn như thế nào. Không những thế, trong trường hợp vào được vòng bán kết, thầy trò Roy Hodgson sẽ lại phải thi đấu ở Marseille. Đó lại là một chuyến đi xa và là một nơi đến không hề mong muốn, nếu nhớ lại các cuộc đụng độ với CĐV Nga và những cảnh cáo trước đây của UEFA.
 
Nhìn chung, chỉ vì 6 vị trí thay đổi trong đội hình và kết quả 0-0 với Slovakia mà đã sinh ra quá nhiều rối rắm. Một chi tiết đáng lưu ý: Dường như ngay cả cậu học trò cưng nhất của Hodgson cũng phát bực. Khi Rooney hoàn tất trận đấu (anh được thay vào sân từ phút 55), có vẻ như anh không muốn đếm xỉa đến HLV trưởng mà đi thẳng vào trong...

HƯNG NGUYÊN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục