Từ năm 2013: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Sáng 21-11, với tuyệt đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Từ năm 2013, các nhân sự cấp cao của Chính phủ và QH sẽ được lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Người có quá nửa ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc QH bỏ phiếu tín nhiệm.
Từ năm 2013: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Sáng 21-11, với tuyệt đại đa số ý kiến tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn. Từ năm 2013, các nhân sự cấp cao của Chính phủ và QH sẽ được lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Người có quá nửa ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức hoặc QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Từ năm 2013: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt ảnh 1

ẢNH:  MINH ĐIỀN

  • Cấm lợi dụng việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động

Nghị quyết nêu rõ, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được làm định kỳ hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

So với dự thảo ban đầu, nghị quyết nêu rõ QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên thường trực HĐND, Trưởng ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.

Trước đó, qua thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị thu gọn phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, ủy ban của QH, ban của HĐND. Ủy ban Thường vụ QH đã gửi phiếu xin ý kiến và kết quả có 332/379 ĐBQH đề nghị QH chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp; không lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, ủy ban của QH, ban của HĐND.

Nghị quyết của QH nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến ĐBQH, đại biểu HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

  • 5 trường hợp bị bỏ phiếu tín nhiệm

Nghị quyết QH nêu rõ, 2 căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn gồm: kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

Người có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực HĐND trình QH, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm trong 5 trường hợp sau đây: Ủy ban Thường vụ QH đề nghị; có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số ĐBQH; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc ủy ban của QH; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá ”tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá ”tín nhiệm thấp” 2 năm liên tiếp.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau: Ủy ban Thường vụ QH trình QH về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp QH, trong đó báo cáo rõ căn cứ đề nghị thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm. QH thảo luận. Trước đó, người bị bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước QH. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu thảo luận tại các đoàn. Chủ tịch QH có thể họp với các trưởng đoàn đại biểu để trao đổi các vấn đề liên quan. Sau đó, Ủy ban Thường vụ QH báo cáo trước QH kết quả thảo luận. QH bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người bị bỏ phiếu tín nhiệm, hai mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Người có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được QH, HĐND tín nhiệm. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2013.

Cũng trong sáng 21-11, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Về 6 nguyên tắc phòng tránh thiên tai, rất nhiều đại biểu đề nghị khẳng định vai trò chủ đạo, trách nhiệm chính của nhà nước trong công tác này. Trong dự luật cũng cần nhấn mạnh công tác phòng, ngừa là chính vì không phải để xảy ra thiên tai thì mới chống. Dự án luật này sẽ được QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Thảo luận tại hội trường chiều 21-11, đa số ĐBQH đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống khủng bố.

 
 
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành như sau: Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có báo cáo công tác bằng văn bản gửi Ủy ban Thường vụ QH chậm nhất 30 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp QH. Ủy ban Thường vụ QH gửi thông báo về việc lấy phiếu tại kỳ họp và báo cáo công tác của người được lấy phiếu đến đại biểu chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. QH quyết định ngày lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp. Hình thức là bỏ phiếu kín. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm tự nhận xét, báo cáo trung thực kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và giải trình đầy đủ các nội dung mà người tham gia lấy phiếu yêu cầu. Đại biểu có quyền yêu cầu người được lấy phiếu giải trình thêm về những vấn đề đại biểu quan tâm, cần được làm rõ; thu thập thêm thông tin từ những nguồn đã được kiểm chứng khác.
 
 

NHÓM PV


Nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội 

Chiều 21-11, với hơn 75% số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Thủ đô, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Với việc dự luật được thông qua, Hà Nội sẽ được trao nhiều cơ chế đặc thù so với các địa phương trên cả nước.

Về cơ bản, giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Các đối tượng khác muốn được đăng ký thường trú ở nội thành là: cần tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Về tài chính, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thì Hà Nội được phép huy động các nguồn lực tài chính khác để đầu tư, xây dựng và phát triển trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Về xử phạt vi phạm hành chính, Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐB, tại báo cáo giải trình về dự án luật, Ủy ban Thường vụ QH đã không quy định về vấn đề cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải trong luật này. Các mức thu phí cụ thể sẽ được HĐND TP Hà Nội quy định trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.

Cũng theo luật, biểu tượng của thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và danh hiệu Công dân danh dự thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của thủ đô. 

H. MY

Tin cùng chuyên mục