Từ ngày 1-4-2012, chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (gọi tắt là trung tâm) sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện các thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với các vấn đề liên quan đến học viên và người sau cai nghiện ma túy. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết:
Các tỉnh, thành khác trên cả nước đã thực hiện việc trao quyền cho quận, huyện từ lâu do ở các tỉnh có ít trung tâm và các trung tâm này đều thuộc quận, huyện quản lý. Riêng TPHCM mang đặc thù riêng, có nhiều trung tâm; các trung tâm do TP lập, số lượng người nghiện nhiều nhất cả nước, trong đó người lang thang từ các tỉnh tới TP dao động từ 40%-45%... nên lâu nay TP phải áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh, quản lý sau cai nghiện và các vấn đề có liên quan đến đối tượng ma túy, mại dâm.
Đến giai đoạn này, số lượng người nghiện ma túy đưa vào các trung tâm đã giảm nhiều, chỉ còn khoảng 3.000 người/năm, các trung tâm cũng được sắp xếp lại nên đã đến lúc chuyển giao quyền hạn đưa người vào, ra trung tâm về các quận, huyện theo đúng quy định của pháp luật.
- Các trung tâm của TPHCM không do quận, huyện quản lý, lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành khác. Vậy quận, huyện sẽ ứng phó như thế nào để đảm bảo an toàn, bớt tốn kém khi đưa người nghiện vào các trung tâm?
Ông NGUYỄN VĂN MINH: Đúng là các trung tâm của TP nằm ở các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước... Việc các quận, huyện chuyển người đến các trung tâm có khoảng cách quá xa, lên đến hàng trăm kilômét sẽ gặp nhiều rủi ro, phức tạp về an ninh trật tự và gây tốn kém. Để khắc phục, TP đã sắp xếp một trung tâm đóng vai trò làm đầu mối (thời gian lưu giữ không quá một tháng) là Trung tâm Giáo dục dạy nghề Bình Triệu (463 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh). Trung tâm Bình Triệu tiếp nhận đối tượng từ các quận huyện gửi lên (thời gian lưu giữ không quá một tháng), thực hiện cắt cơn, tư vấn, tham vấn rồi sau đó, học viên sẽ được phân bổ đi các trung tâm khác, căn cứ theo tính chất, đối tượng. Các trung tâm khác cũng được sắp xếp, phân công theo chức năng mang tính chuyên trách hơn.
- Đến nay, việc chuẩn bị công tác trên đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
TPHCM đã xây dựng kế hoạch chuyển giao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị (tới hết tháng 12-2011), thực hiện kiện toàn hội đồng tư vấn của quận, huyện để tham mưu cho chủ tịch UBND quận, huyện quyết định đưa người vào cơ sở chữa bệnh. Sở cũng soạn ra 20 bộ quy trình liên quan đến việc đưa các đối tượng vào cơ sở chữa bệnh, việc phân bổ đối tượng vào các trung tâm, việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện cũng như các vấn đề liên quan. Đây được xem như bộ cẩm nang, công cụ để tập huấn, trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thuộc thành phần hội đồng tư vấn quận, huyện (gồm cán bộ Phòng LĐTB-XH; công an quận, huyện; phòng tư pháp; văn phòng).
Giai đoạn 2, đến hết tháng 3-2012, quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, có sự hỗ trợ nghiệp vụ từ các cơ quan chuyên môn của TPHCM. Trên cơ sở hồ sơ các đối tượng được TP thẩm định, hướng dẫn, chủ tịch UBND quận, huyện sẽ ký quyết định đưa người vào/ra các trung tâm.
Giai đoạn 3, từ 1-4, TP sẽ chuyển giao hoàn toàn nhiệm vụ trên cho quận, huyện thực hiện.
TP cũng đang xem xét, bố trí thêm nhân sự cho Phòng LĐTB-XH ở những quận, huyện có số lượng người nghiện ma túy cao như quận 8, 11, Bình Thạnh…
- Các địa phương, nhất là nơi có tụ điểm “nóng” về ma túy, đang kỳ vọng việc trao quyền này sẽ giúp họ giải quyết nhanh chóng, triệt để người nghiện ma túy, hạn chế tình trạng mua bán ma túy công khai?
Trước đây, việc lập hồ sơ trình TP ra quyết định đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh thường phải mất 1 tháng. Trong thời gian đó, có khi đối tượng lại… trốn mất, sau đó lại tái xuất hiện mua bán ma túy, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tệ nạn. Giờ đây, trao quyền cho quận, huyện thì khoảng cách thời gian sẽ được rút ngắn. Việc lập hồ sơ, ký duyệt hồ sơ có khi chỉ thực hiện trọn trong 1 ngày.
Đặc biệt, với các đối tượng lang thang, quận, huyện có thể gửi trước đến Trung tâm Bình Triệu rồi xác minh, phân loại xử lý sau. Quan trọng nhất là lực lượng cán bộ, lãnh đạo ở quận, huyện phải mạnh, nắm vững các quy định để nhanh chóng đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh. Nếu họ làm tốt, giải quyết nhanh chóng người nghiện ma túy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác đấu tranh chuyển hóa, làm “sạch” địa bàn, giảm áp lực, có điều kiện giải quyết triệt để người nghiện ma túy, hạn chế tình trạng mua bán ma túy công khai. Việc trao quyền cũng giúp quận, huyện có điều kiện theo sát, gần gũi, chăm sóc tốt hơn cho học viên đặc biệt là tổ chức tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người sau cai.
Đường Loan thực hiện
- Từ tháng 6-2012: Thí điểm cán bộ, bác sĩ tới nhà cai nghiện cho bệnh nhân
(SGGP).- Ngày 8-2, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB-XH) đã làm việc với Sở LĐTB-XH TPHCM về việc thí điểm điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với sự hỗ trợ về kỹ thuật về tài chính của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ (CDC).
Theo đó, từ tháng 6-2012, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy (Sở LĐTB-XH TPHCM) sẽ tiếp nhận bệnh nhân, điều trị nội trú cho khoảng 30 lượt người/tháng và bán trú, ngoại trú cho khoảng 50 lượt người/tháng. Đây là mô hình điều trị mở, áp dụng tại TPHCM và Thái Nguyên, với các hình thức điều trị nội trú, bán trú và ngoại trú theo nhu cầu của người cai nghiện tự nguyện, nhằm giúp họ được cai nghiện nhưng không bị cách ly khỏi cộng đồng; thời gian từ 1-3 tháng (nội trú), từ 6-12 tháng (ngoại trú). Mô hình sẽ áp dụng đa dạng các phương pháp điều trị, bao gồm cả các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người nghiện ma túy; người cai nghiện tự nguyện được giới thiệu chuyển gửi đến các cơ sở dịch vụ y tế, xã hội để điều trị các bệnh cơ hội, giới thiệu việc làm hay vay vốn giải quyết việc làm.
Đối tượng là người bệnh từ trên 12 tuổi, có đơn đăng ký tự nguyện điều trị ma túy tại cộng đồng, sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân. Bệnh nhân thuộc diện chính sách, hộ nghèo sẽ được miễn phí 100% chi phí cho lần điều trị đầu tiên, giảm 30%-50% cho các trường hợp khác và thu phí 100% đối với người không thuộc diện chính sách. Hết năm 2014, sẽ kết thúc thí điểm và TP sẽ xem xét đánh giá sau.
M.Hòa