Từ nỗi đau xót của một bệnh nhân

Trong tuần qua, vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị cưa chân do sự tắc trách của một số bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã khiến dư luận rất bức xúc, quan tâm bàn luận vấn đề trách nhiệm của ngành y tế trong việc chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nâng chất lượng khám và điều trị bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, đưa ra những lời hứa và cam kết lâu dài để đảm bảo cuộc sống cho cháu Hà Vi trong tương lai. Đó là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo ngành y tế trước việc bệnh nhân phải gánh chịu một hậu quả nặng nề và đau xót như vậy vì lỗi của bác sĩ.

Thế nhưng, cách khắc phục của ngành y tế không thể chỉ dừng ở mức xin lỗi, bù đắp sự mất mát, thiệt hại cho nạn nhân, và xử lý hành chính riêng với kíp trực tắc trách. Bởi khiếm khuyết của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ bộc lộ ở vụ việc này. Đã nhiều năm nay, khi người dân đến các bệnh viện công để khám chữa bệnh vẫn còn gặp nhiều phiền hà, mất thời gian chờ đợi, mà chất lượng khám, điều trị thấp. Vấn đề thiếu trình độ chuyên môn và y đức của nhiều bác sĩ đã và đang là nỗi lo lắng cho nhân dân. Điều đáng phàn nàn là bệnh nhân diện bảo hiểm y tế khám chữa bệnh tại bệnh viện công bị phân biệt đối xử.

Qua đường dây nóng Báo SGGP, người dân đã phản ánh rất nhiều về nỗi gian nan, vất vả, buồn bực, mệt mỏi khi phải chịu đựng quy trình đăng ký, khám bệnh, xét nghiệm, điều trị, phát thuốc... quá phiền hà. Nhiều bệnh viện ở TPHCM quá tải đến mức bệnh nhân phải nằm chung giường bệnh, thậm chí phải nằm dưới đất, ngoài hành lang. Cũng do quá tải nên nhiều trường hợp đáng lẽ cần phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa gấp lại phải chịu đau đớn và nguy hiểm khi phải chờ cả tuần mới đến lượt. Từ đó dẫn đến chuyện chạy vạy, “lót tay” để được điều trị sớm. Sinh mạng con người là vô giá, nên lẽ ra “còn nước còn tát”, nhưng nhằm chạy theo thành tích, không phải báo cáo có nhiều bệnh nhân chết tại bệnh viện, nên nhiều bác sĩ đề nghị gia đình đưa bệnh nhân về nhà chờ chết. Điều 61 Luật Khám chữa bệnh quy định: Khi thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa phải được sự đồng ý bằng văn bản của người bệnh hoặc đại diện của người bệnh. Thế nhưng, thực tế người bệnh hoặc đại diện của người bệnh thường bị buộc phải ký cam kết chịu mọi rủi ro khi phẫu thuật, không khiếu kiện hay yêu cầu bồi thường. Làm như vậy sẽ không gây áp lực căng thẳng cho kíp phẫu thuật, nhưng vô tình dung túng cho sự tắc trách của những bác sĩ thiếu y đức và kém chuyên môn.

Vụ nữ sinh Hà Vi bị cưa chân là do bác sĩ chẩn đoán không ra bệnh và theo dõi không tốt. Chỉ gãy xương đơn thuần mà không chẩn đoán ra; xử lý sai, bệnh nhân đã đau đớn rên la suốt mấy ngày mà bác sĩ không kiểm tra để có hướng xử lý lại. Có thể nói, vụ nữ sinh Hà Vi bị cưa chân cũng chưa phải là vụ khủng khiếp nhất, lâu nay báo chí đã đưa tin có những nạn nhân còn phải chịu nghiệt ngã hơn, chết oan. Thế nhưng, chính ngành y tế cũng chưa quyết liệt xử lý để chấn chỉnh có hiệu quả. Như với trường hợp nạn nhân Hà Vi, sự tắc trách của kíp trực đã đến mức vi phạm Bộ luật Hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm Luật Khám chữa bệnh về hành vi không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Việc khám, chẩn đoán và chữa bệnh là vấn đề thuộc về lĩnh vực khoa học, dựa vào năng lực chuyên môn của bác sĩ, đồng thời còn có yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất, thiết bị máy móc của bệnh viện có giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hay không. Do đó, cũng phải nghiêm túc xét đến trách nhiệm của bệnh viện và của chính ngành y khi để xảy ra những vụ chết người hoặc gây ra tai biến cho người bệnh.

Đến nay, dư luận chưa thực sự hài lòng với những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về vụ nữ sinh Hà Vi bị cưa chân, vì chỉ dừng ở mức an ủi xoa dịu nạn nhân và gia đình. Việc hứa: “Nếu sau này cháu Hà Vi có nguyện vọng học ngành y thì ngành y tế sẽ có trách nhiệm bố trí việc làm cho cháu”, cũng chưa hẳn là cách nhìn nhận và giải quyết hợp lý, vì nghề y không phải là lẵng hoa đẹp hay món quà để trao tặng không cần biết người được trao tặng có đủ khả năng để thụ hưởng quyền lợi và có đủ năng lực để gánh trách nhiệm khi vào nghề y. Bộ trưởng cần đòi hỏi cao hơn, chặt chẽ hơn nữa ở khâu tuyển đầu vào cho ngành y, chấn chỉnh công tác đào tạo, không để thiếu bác sĩ, không để có những bác sĩ yếu kém chuyên môn, khiến có thêm bệnh nhân bị cưa chân oan, chết oan.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục