“Mình cười thì mọi người sẽ cười với mình. Còn nếu muốn khóc, hãy khóc một mình”. Lời khuyên đó của chị Phạm Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ, rất đúng với tâm trạng của anh Lương Minh Hồng ở ấp Phú Thiện, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, An Giang. Đôi mắt của anh tuy không nhìn thấy ánh sáng nhưng lúc nào cũng vui vẻ yêu đời. Nhờ vậy, anh đã vượt qua bóng đêm của tật nguyền, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Nghiệt ngã cuộc đời
Tôi phải đến lần thứ ba mới gặp được anh vì ngày nào anh cũng đi lấy đất thật xa. Mỗi lần ngồi chờ anh, tôi có dịp trò chuyện với ba mẹ anh là ông Lương Phước Thiện và bà Võ Thị Kim Hừng, những người đã nhọc nhằn chăm sóc anh từ lúc anh mới chào đời. Ông Thiện buồn buồn kể lại: “Hồng là con trai đầu lòng của tôi. Khi sinh ra, hai mắt nó đã trắng đục. Các bác sĩ bảo nó mù bẩm sinh. Vừa nghe qua, mẹ nó đã lặng người, đầu óc choáng váng, chỉ biết nhìn con rồi khóc, khóc cho đến khô nước mắt mới thôi. Khi xuất viện về nhà, ngày nào vợ chồng tôi cũng chạy lo chữa trị cho con nhưng đến đâu, thầy thuốc cũng lắc đầu khiến bao hy vọng đều tiêu tan”.
Năm tháng nghiệt ngã trôi qua, vì thương con nên ông bà cứ còn nước còn tát, ai bảo gì làm nấy, miễn sao con mình giữ được mạng sống. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai thì nỗi bất hạnh khác lại tái diễn. Đó là hai người con gái kế tiếp lần lượt ra đời cũng cùng chung một chứng bệnh như Hồng.
Nỗi thất vọng hằn lên nét mặt phờ phạc của đôi vợ chồng trẻ khiến hai người phải âm thầm nuốt nước mắt, lặng lẽ nuôi ba đứa con mù lòa, có lúc tưởng chừng như kiệt sức. Để nuôi các con tới ngày khôn lớn, hai người phải đầu tắt mặt tối, chạy cơm từng bữa, cố giữ không khuỵu ngã giữa chừng.
Phận bạc như vôi
May mắn thay, càng lớn lên Hồng càng khỏe mạnh, thông minh và hiếu thảo. Biết mẹ ngày nào cũng dãi nắng dầm mưa nên anh không cam tâm ngồi yên ăn bám. Mới 10 tuổi anh đã xuống sông mò hến, suốt buổi ngâm mình dưới nước, lúc đầu mỗi ngày kiếm 1 giạ, rồi dần dần lên tới 5, 6 giạ, làm ai nấy cũng ngạc nhiên, buộc miệng khen: Hồng mù giỏi quá!
Đến năm 14 - 15 tuổi, anh bắt đầu ra đồng, xuống sông bắt cá, 18 tuổi theo cha kéo vó. Việc nào anh cũng say mê và làm rất giỏi, khiến những đứa cùng trang lứa trong xóm đều chào thua.
Cũng có lúc anh theo mẹ chèo ghe chở trái cây từ Cần Thơ đi Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long bán dạo. Thời gian qua nhanh, cuộc sống mỗi ngày một đổi thay, dòng sông bây giờ đã bớt cá, mẹ già không còn chở trái cây đi bán nên từ năm 1994 đến nay, anh chuyển qua nghề bốc vác, làm thuê và móc đất, nghề nào cũng thấm đẫm bao mồ hôi công sức, bao lần đã lâm cảnh ốm đau, bệnh tật. Anh nói có lẽ từ nay cho đến cuối đời, anh sẽ gắn bó với chiếc “xáng cơm” vì không còn nghề nào khác.
Nhờ lao động giỏi, tính tình chất phác, đôn hậu nên anh được nhiều bạn bè thương mến, cùng nhau chia bùi sẻ ngọt. Đến năm 30 tuổi, có người giới thiệu cho anh một người phụ nữ về làm vợ, tưởng đâu cuộc đời anh sẽ được an ủi, có người sớm hôm chia sẻ. Nhắc lại chuyện này, anh tâm sự: “Từ lâu tôi mơ ước có một đứa con để ẵm bồng. Còn gì hạnh phúc hơn mỗi khi đi làm về nghe con gọi tiếng ba ba! Rồi sau này lớn lên, nó sẽ là đôi mắt của mình. Chính vì vậy tôi nhận lời cưới cô ấy. Ai ngờ chỉ được thời gian ngắn ngủi, cô ta gom hết bạc tiền, quần áo ra đi, không nói một lời”.
Bẵng một thời gian lại có người con gái cắt lúa mướn tìm đến ngỏ lời lấy anh và hứa chăm sóc anh suốt đời. Tin người, anh không đắn đo suy nghĩ, nhưng cũng chỉ được vài tháng cô này cũng cuốn gói ra đi, mang theo tất cả tài sản anh chắt chiu bao ngày. Kết thúc 2 mối tình ngắn ngủi khiến anh buồn nẫu ruột, gầy rộc và sọp người đi. Một người từng lì lợm với nắng sương, bản tính gan góc như anh, vậy mà cũng phải chịu nhiều nỗi đau dày vò, có lúc muốn quỵ ngã không thể gượng dậy nổi. Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, đặc biệt là tình cảm gia đình đã giúp anh lao vào công việc hàng ngày, quên dần nỗi buồn nhân thế. Với anh, thay vì oán đất kêu trời, rủa sả tình đời bạc bẽo “phận sao phận bạc như vôi”, anh lại mỉm cười và tự an ủi: ông trời không bao giờ đưa mình đến bước đường cùng.
Khi nhắc lại chuyện vợ con, anh không chìm trong đau xót, buồn thương, trái lại còn tỏ ra yêu đời và hiểu đời hơn ai hết. Anh dí dỏm nói: “Rầu cũng đui mà cười cũng đui. Thôi hãy vui lên để sống, để lao động kiếm tiền”. Anh giống như con diều ngược gió, càng ngược càng bay cao. Anh tự hào nói: “Để có cái ăn cái mặc, tôi phải cố gắng học hỏi và mày mò luyện tập. Lúc đầu chèo ghe, bắt hến và móc đất cũng trầy tay, sứt trán, thậm chí đổ máu nhưng bây giờ mọi việc đã quen dần. Ai làm được, tôi cũng làm được, tuy không bằng người sáng mắt”.
Có tật, có tài
Bằng sự mẫn cảm thiên phú, bằng trái tim tha thiết yêu đời, anh đã cảm nhận được niềm vui và nỗi buồn đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, để từ đó đi lên.
Ngoài ra, anh còn thích theo dõi thời sự mỗi tối trên đài. Có thể nói chiếc radio và chiếc máy catsette đối với anh như hình với bóng, như người bạn tâm đắc. Anh thuộc nằm lòng từng đĩa nhạc, từng nội dung của các bài vọng cổ. Ngoài ra anh còn có trí nhớ tuyệt vời. Trong xóm anh thuộc lòng từng nhà, muốn đến nhà ai đều tự đi, không cần người dẫn đường. Bạn bè dù mới quen nhau nhưng gặp lần sau nghe tiếng nói anh đã gọi đúng tên bạn.
Cha anh nói ngay từ lúc nhỏ, nghe cá nhảy hoặc sờ mó anh đã phân biệt được từng loại cá. Khi nghe tôi hỏi làm thế nào để biết, anh trả lời chắc nịch: Hễ nghe nhảy bạch bạch là cá tra; nếu trườn tẹt tẹt là cá trê; roèn roẹt là cá rô, nhảy lia lịa là cá chài, cá cóc hoặc trườn êm ru là cá lóc… Anh còn có tài chinh phục các loại cá có ngạnh rất bén, người sáng mắt còn sợ, nhưng anh mò bắt dễ dàng như lấy tiền trong túi. Ai đi bắt cá chung với anh đều “ngả mũ” chào thua. Chính cha anh còn phục và gọi anh là “siêu mù”.
Vào mùa nước nổi không đi móc đất, mò hến, anh xoay qua chở đất và vác lúa mướn. Anh có thể tự bơi xuồng và vác lúa xuống ghe nhưng phải có người đi kèm để giúp anh vịn tay lần theo. Anh Hồng còn có sức khỏe dẻo dai, lặn lâu và có kỹ thuật nhận gàu lấy đất. Chính vì vậy khi có hợp đồng làm thuê, anh đều nhận vai lặn chuyền đất cho người khác vác lên bờ. Mỗi ngày anh có thể lặn móc lên 700 – 1.000 thùng đất.
Thấy anh siêng năng và làm có trách nhiệm nên nhiều người tìm đến nhờ móc đất đắp đường, bồi lộ hoặc nâng nền nhà. Nhờ vậy anh ký được nhiều hợp đồng để mọi người chia nhau làm. Tuy mù nhưng anh lại là chỗ dựa của nhiều thanh niên thất nghiệp trong xóm.
* Suốt 42 năm dài bất hạnh và mặc dù tuổi thơ chìm đắm trong bóng tối, lớn lên vượt qua nhiều nỗi đau nhưng anh Hồng rất ít khi than vãn, trái lại còn tự hào về thời trai trẻ của mình. Nhưng giờ đây, tuy chưa bao giờ thấy mặt trời lặn và mọc nhưng anh cũng đã cảm nhận “lịch đời” của mình đang mỏng dần khi sức khỏe ngày càng yếu, tai bị lãng, mũi nghẹt vì ăn uống kham khổ và lặn quá nhiều. |
Hoài Phương