Sự việc ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, khai man để được phong anh hùng và đã bị hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, là một bê bối trong công tác thi đua khen thưởng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Đồng chí nhận xét gì qua việc ông Hồ Xuân Mãn đã được các cấp trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, bên cạnh danh hiệu anh hùng?
* Đồng chí VŨ QUỐC HÙNG: Ông Hồ Xuân Mãn đã khai man, dối trá với tổ chức và nhân dân. Theo tôi được biết, trên tinh thần thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những người liên quan trong quy trình xét tặng danh hiệu cho ông Mãn phải chịu trách nhiệm. Quan trọng hơn là sau đây, những sơ hở của quy trình này phải được khắc phục triệt để, nhằm đảm bảo không có thêm một trường hợp thứ hai. Thậm chí cần phải xem lại những danh hiệu ông Mãn đã được trao tặng lâu nay.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chúc mừng cá nhân đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng 2014. Ảnh: CAO THĂNG
* Trong trường hợp này, chính người dân, các cựu chiến binh đã phát giác vụ việc này, thay vì bị phát hiện từ trong tổ chức?
* Không có gì qua được tai mắt của nhân dân. Qua sự việc của ông Mãn, cũng là bài học đắt giá trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra các quy trình của công tác thi đua khen thưởng và cho những người có bệnh thành tích, làm ăn gian dối, đánh bóng mình để chạy thành tích, chạy huân, huy chương. Có vẻ như trong suy nghĩ của một số người, danh vọng có “chứng nhận” đi kèm được dùng như một công cụ để thăng tiến và tư lợi. Sự việc này chính là hồi chuông cảnh tỉnh.
Theo tôi được biết, đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá cao việc làm của các cựu chiến binh, qua đó đã góp phần giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc kịp thời, làm sáng tỏ vụ việc. Theo kết luận, 15/17 thành tích mà ông Mãn khai man đã bị các cựu chiến binh tố cáo là đúng, có cơ sở.
* Không chỉ qua vụ việc của ông Mãn mới bộc lộ rõ công tác khen thưởng của chúng ta đang có vấn đề?
* Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng. Người cho rằng “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Tổ chức tốt phong trào thi đua sẽ chọn được những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xứng đáng để khen thưởng; ngược lại, khen thưởng đúng người, đúng việc sẽ là cơ sở để động viên, thúc đẩy phong trào thi đua. Nhờ đó, sẽ khơi dậy được lòng yêu nước, ý thức tự giác, tự lực tự cường, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, việc tổ chức đăng ký thi đua và chọn lọc để có được các điển hình tiên tiến phải làm thật thực chất, để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng. Các điển hình tiến tiến phải thực sự tiêu biểu, thực sự là tấm gương sáng trong phong trào thi đua và phải thật sự lan tỏa trong đời sống xã hội; nếu ngược lại, sẽ rất phản cảm, phản tác dụng.
* Cuối năm là dịp để khen thưởng nhưng nhiều người phản ánh việc số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được khen chiếm tỷ lệ cao quá, ít thấy bóng dáng người lao động bình thường. Thậm chí có nơi để xảy ra tình trạng công nhân bị kích động, đập phá nhiều doanh nghiệp gây thiệt hại lớn trong thời điểm diễn ra vụ đặt giàn khoan của Trung Quốc ở vùng biển của nước ta, thế nhưng lãnh đạo Liên đoàn Lao động ở nơi đó lại được vinh danh điển hình “Dân vận khéo” cấp TP?
* Đó chính là vấn đề cần quan tâm của công tác thi đua khen thưởng hiện nay. Cuối năm, các cơ quan, đơn vị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu là rất cần thiết. Tuy nhiên, công tác này còn những mặt hạn chế. Đó là tình trạng khen thưởng tràn lan, thiếu chọn lọc, khen theo kiểu “cùng vui vẻ”, ngành nào, cấp nào cũng “có phần”. Nếu khen thưởng còn nặng cảm tính, thiếu khách quan, thì hệ lụy không nhỏ, lẽ công bằng không được xác lập, phát sinh sự ghen tị, mâu thuẫn, tiêu cực.
Để biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo động lực động viên người lao động, cơ quan, đơn vị được quyền xét tặng phải công tâm, đánh giá đúng thành tích, tránh nể nang, chạy theo thành tích. Người dân tinh tường lắm, những người một lòng vì nước vì dân thì dù không có huân chương đỏ ngực nhưng vẫn được dân tin yêu, quý trọng, tôn thờ. Ngược lại, thì chỉ làm bia miệng để người đời cười chê.
|
HỒNG HIỆP (thực hiện)