Từ ưu thế thành thất thế

1. Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) vừa cho biết, trái thanh long nhiều khả năng phải đối mặt với việc giảm sút sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất Việt Nam, với lý do sẽ phải cạnh tranh gay gắt với thanh long trồng tại Trung Quốc.

Thật ra thông tin này không phải bây giờ mới biết. Mấy năm trước, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đã không ít lần cảnh báo về nguy cơ này. Nếu có mới, đó là việc Chính phủ Trung Quốc có chính sách hỗ trợ căn cơ giúp cho việc trồng cây thanh long có điều kiện phát triển bền vững và có thể chiếm lợi thế về cạnh tranh, cả về giá và chất lượng, như chính sách hỗ trợ về đất, tín dụng ưu đãi cho nông dân Trung Quốc... Thái Lan cũng đã “âm thầm” trồng thanh long từ giống của Việt Nam mang về chọn lọc và lai tạo từ khá lâu. Vì vậy, nếu thanh long Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với thanh long tại các tỉnh phía Nam của Trung Quốc thì với thanh long Thái Lan đang là sự lựa chọn của Ấn Độ, thị trường cũng có trên 1 tỷ người do thanh long Thái Lan cạnh tranh hơn thanh long Việt Nam về giá bán. Trong khi đó, thị trường “ăn hàng” thanh long giá cao của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với các quy chuẩn khắt khe nên không thể có số lượng lớn như hàng đi Trung Quốc.

Vấn đề đáng nói ở đây, góp phần vào tình thế hiện nay chính là từ những mâu thuẫn nội tại của ngành hàng thanh long. Các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau giành khách hàng bằng việc giảm giá và để có lợi nhuận buộc phải giảm chất lượng như trộn hàng xấu vào làm giảm uy tín thương hiệu thanh long Việt Nam mà không nghĩ đến sự hợp tác, cùng liên kết để cơ cấu lại thành chuỗi ngành hàng thanh long bền vững.

2. Mặt hàng cá tra Việt Nam cũng trong tình thế tương tự. Từng tạo nên “câu chuyện thần kỳ” khi việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tăng nhanh chóng, tạo ra giá trị sản xuất rất lớn tính trên đơn vị diện tích. Từ con cá bản địa vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau gần 2 thập niên mặt hàng phi lê cá tra đông lạnh Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước. Trong đó, Mỹ là thị trường khởi đầu cho sự thần kỳ của con cá tra Việt Nam. Lượng nhập khẩu vào thị trường này tăng nhanh qua từng năm, nhưng giá lại giảm dần nên Hiệp hội Cá nheo của Mỹ có lý do để kiện mặt hàng cá tra Việt Nam bán phá giá. Kết quả, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết áp dụng mức thuế chống bán phá giá mặt hàng phi lê cá tra đông lạnh. Dù sự việc này là bất công và phi lý, nhưng điều đáng nói ở đây, góp phần vào việc này cũng do sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các DN xuất khẩu. Thay vì cùng liên kết thống nhất giá bán, ngược lại, các DN tự giảm giá để giành khách hàng.

Như vậy, từ khởi đầu “một mình, một chợ” chi phối thị trường thế giới, nhưng do phát triển tự phát, thiếu căn cơ, doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, người nuôi, người trồng chỉ biết sản xuất mà không tìm hiểu thông tin hay hợp đồng với nhà máy chế biến đã biến 2 mặt hàng nhiều ưu thế ngày càng đi xuống. Ngành hàng cá tra phải tổ chức và cơ cấu lại mấy năm nay nhưng vẫn còn trầy trật. Lần đầu tiên, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra sụt giảm, cả người nuôi, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài. Trong khi đó ngành hàng thanh long xuất khẩu có nguy cơ thu hẹp thị trường trong tương lai, nhất là thị trường chủ lực vì bị cạnh tranh.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục