- HỎI: Tôi là giám đốc Công ty TNHH hai thành viên A. (trụ sở chính tại TPHCM). Công ty chúng tôi ký kết hợp đồng mua bán một lượng hàng hóa cho công ty Z. (là công ty thành lập và đăng ký kinh doanh theo pháp luật của Canada). Hợp đồng được ký kết tại TPHCM. Nay công ty Z. vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Công ty chúng tôi khởi kiện công ty Z. tại Tòa án TPHCM và đơn khởi kiện đã được tòa thụ lý. Chúng tôi muốn biết luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp này?
(Đại diện công ty A. trụ sở ở quận 3, TPHCM)
- ĐÁP: Do anh/chị chỉ cho biết Tòa án TPHCM đã thụ lý đơn khởi kiện mà không nói rõ nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng có điều khoản về luật áp dụng cho nội dung hợp đồng hay không, nên chúng tôi giả định trường hợp Tòa án TPHCM có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này (về cách thức xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại có yếu tố nước ngoài, xin xem lại phần tư vấn trên mục Tư vấn kinh tế - pháp luật Báo SGGP ngày 7-12-2011) thì có hai khả năng sẽ xảy ra đối với luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp như sau:
Trường hợp thứ nhất, trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về luật áp dụng cho nội dung hợp đồng khi xảy ra tranh chấp. Như vậy, Tòa án TPHCM sẽ căn cứ vào thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên trong hợp đồng để áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp giữa công ty A. và công ty Z. Nếu luật được chọn phù hợp với các nguyên tắc về chọn luật theo quy định của pháp luật Việt Nam thì luật được chọn sẽ là luật áp dụng để giải quyết nội dung tranh chấp (cần chú ý rằng, các điều kiện chọn luật sẽ căn cứ vào pháp luật Việt Nam vì giữa Việt Nam và Canada chưa có hiệp định tương trợ tư pháp). Nếu luật được chọn không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện chọn luật thì tòa án sẽ giải quyết luật áp dụng như trường hợp các bên không có thỏa thuận chọn luật trong hợp đồng.
Trường hợp thứ hai, trong hợp đồng các bên không có điều khoản về thỏa thuận chọn luật áp dụng. Khi đó, Tòa án TPHCM sẽ căn cứ vào quy phạm xung đột của pháp luật Việt Nam để xác định luật áp dụng giải quyết nội dung tranh chấp. Cụ thể, tại đoạn 1 khoản 1 Điều 769 Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 2005 quy định như sau: “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, theo quy định của điều luật này, nếu hợp đồng giữa công ty A. và công ty Z. được thực hiện tại Việt Nam, luật áp dụng sẽ là luật Việt Nam và ngược lại, nếu hợp đồng thực hiện tại Canada hay một nước thứ ba thì sẽ áp dụng pháp luật của nước đó để giải quyết nội dung tranh chấp.
Tuy nhiên cũng cần chú ý, nơi thực hiện hợp đồng là nơi được ghi trong hợp đồng. Trong hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì phải xác định nơi thực hiện hợp đồng trước khi xác định luật áp dụng. Trong trường hợp này việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Việt Nam vì đoạn 3 khoản 1 Điều 769 Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 2005 quy định: “Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đối với những hợp đồng được ký kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, phải áp dụng luật Việt Nam để giải quyết nội dung tranh chấp. Các bên không được thỏa thuận chọn luật áp dụng trong trường hợp này.
Đối với những hợp đồng liên quan đến bất động sản (nhà ở, giá trị quyền sử dụng đất…) mà bất động sản đó hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật của Việt Nam khi giải quyết tranh chấp. Nghĩa là các bên cũng không được thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với những hợp đồng này.
Th.S BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật, ĐH Kinh tế Luật TP)