Công ty TNHH MALA của chúng tôi ký kết với Công ty VH một hợp đồng mua bán hàng hóa. Nội dung hợp đồng như sau: Công ty chúng tôi bán cho Công ty VH 1.000 tấn phân bón. Hàng được giao thành 5 đợt, đợt thứ nhất giao ngay sau khi ký hợp đồng, các đợt còn lại sẽ giao sau khi Công ty VH đã bán hết hàng của đợt giao trước. Giá bán hàng hóa do công ty chúng tôi quyết định và Công ty VH phải bán hàng đúng giá này. Phương thức thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng như sau: đầu mỗi tháng Công ty VH sẽ gửi cho báo cáo số lượng hàng đã bán thực tế, sau khi công ty chúng tôi kiểm tra, đối chiếu với số hàng còn tồn kho thì Công ty VH sẽ thanh toán tiền bán hàng tương ứng với số hàng hóa thực tế bán ra. Ngoài ra, mỗi tấn phân bán ra Công ty VH được hưởng 10% tiền bán hàng... Thế nhưng, sau khi giao hàng 2 đợt, do tình hình thực tế tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn nên công ty chúng tôi muốn chấm dứt hợp đồng, không giao tiếp số hàng còn lại. Nhưng Công ty VH không chịu, buộc chúng tôi phải giao đủ 600 tấn phân còn lại dù lượng hàng tồn kho vẫn còn rất nhiều. Xin hỏi: Hợp đồng chúng tôi đã ký kết là loại hợp đồng gì? Chúng tôi phải làm gì để có thể chấm dứt được hợp đồng này? (Đại diện Công ty TNHH MALA, quận 7, TPHCM).
° Hợp đồng giữa Công ty TNHH MALA và Công ty VH về hình thức theo hai bên thỏa thuận là hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng thực chất là hợp đồng đại lý vì các cơ sở sau đây:
1. Giá bán hàng hóa do Công ty MALA (bên bán) ấn định và Công ty VH (bên mua) phải bán đúng giá này. Theo quy định tại Luật Thương mại 2005 thì bên giao đại lý có quyền ấn định giá bán hàng hóa cho bên đại lý. Hình thức ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ này không áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa.
2. Công ty VH chỉ thanh toán tiền mua hàng cho Công ty MALA theo số lượng thực tế phân bón đã bán ra. Đây không phải là việc thanh toán tiền mua hàng hóa của hợp đồng mua bán mà thực chất là nghĩa vụ thanh toán tiền bán hàng của bên đại lý cho bên giao đại lý theo quy định tại khoản 4 Điều 175 Luật Thương mại 2005.
3. Công ty VH được hưởng 10% tiền bán hàng trên số lượng phân bón thực tế đã bán ra. Nếu là hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ không có hình thức hưởng hoa hồng này vì đây là thù lao đại lý dưới hình thức tiền hoa hồng do Công ty MALA trích cho Công ty VH vì giá bán hàng hóa do Công ty MALA ấn định theo quy định tại khoản 2 Điều 171 Luật Thương mại 2005.
Như vậy, có thể kết luận hợp đồng ký kết giữa Công ty MALA và Công ty VH là hợp đồng đại lý chứ không phải hợp đồng mua bán hàng hóa. Do đó, phải áp dụng các quy định về hợp đồng đại lý để giải quyết vấn đề chấm dứt hiệu lực hợp đồng.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 177 Luật Thương mại 2005: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn 60 ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý”. Nếu trong hợp đồng hai bên không có thỏa thuận cụ thể về thời hạn thực hiện hợp đồng thì Công ty MALA có thể căn cứ quy định này, gửi văn bản cho Công ty VH thông báo việc chấm dứt hợp đồng đại lý và không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ giao số phân bón còn lại. Trong trường hợp hợp đồng có ấn định cụ thể thời hạn thực hiện hợp đồng và thời hạn này chưa kết thúc thì Công ty MALA có thể áp dụng khoản 1 Điều 525 Bộ luật Dân sự 2005 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ vì việc thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ (cụ thể trong trường hợp này việc bán phân bón không còn tiến hành được nữa nên việc Công ty MALA thuê Công ty VH làm đại lý không có lợi cho Công ty MALA).
Chú ý: vì Công ty VH không bị ràng buộc nghĩa vụ thanh toán tiền hàng nên nếu phân bón không bán được thì mọi hư hỏng, mất mát hoặc các rủi ro khác liên quan đến số hàng tồn kho này Công ty MALA phải chịu trách nhiệm và Công ty VH chỉ thanh toán tiền khi nào đã bán được phân bón trên thực tế. Ngoài ra, Công ty MALA có thể chọn cách khác là khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, nếu chọn cách này thì công ty đã thừa nhận hợp đồng giao kết là hợp đồng mua bán hàng hóa.
BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật - ĐH Kinh tế Luật)
Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 - 0903.975323.