Tư vấn kinh tế - pháp luật

Đại diện Công ty VinaTr. trụ sở chính tại TPHCM

Công ty cổ phần VinaTr. của chúng tôi (đăng ký tại Việt Nam) ngành nghề xây dựng và hiện đang thi công một công trình cao ốc tại Hà Nội. Một số hạng mục của công trình do Công ty X. là doanh nghiệp Úc thi công bằng vật liệu, thiết bị do Công ty X. cung cấp. Vì là đối tác lâu năm nên VinaTr. và Công ty X. chỉ trao đổi về nội dung của hợp đồng qua điện thoại cá nhân. Theo thỏa thuận, VinaTr. đặt cọc trước cho Công ty X. 20% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn thỏa thuận mà Công ty X. vẫn chưa cử người và đưa thiết bị sang thi công dẫn đến công trình bị trễ tiến độ. Chúng tôi định khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến một số nơi chúng tôi nhận được thông tin hợp đồng giữa chúng tôi và Công ty X. có thể bị tuyên bố vô hiệu vì vi phạm về hình thức của hợp đồng. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này. Xin hỏi, hình thức hợp đồng như trên có hợp pháp không? Nếu hợp đồng bị hủy chúng tôi phải làm gì để bảo vệ lợi ích của mình? (Đại diện Công ty VinaTr. trụ sở chính tại TPHCM)

° Hợp đồng giữa Công ty cổ phần VinaTr. và Công ty X. là hợp đồng mua bán. Công ty X. là doanh nghiệp Úc nên đây là hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài. Vì công ty không cho biết trong e-mail, điện thoại trao đổi qua lại hai bên có thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng hay không nên có hai trường hợp đặt ra:

Trường hợp thứ nhất: Công ty VinaTr. khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Việt Nam. Vì giữa Việt Nam và Úc chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp nên việc xác định hình thức của hợp đồng sẽ tuân theo luật Việt Nam. Theo quy định tại khoản 2 Điều 770 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hợp đồng giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. liên quan đến một công trình xây dựng (là bất động sản) trên lãnh thổ Việt Nam nên phải áp dụng pháp luật Việt Nam để xác định tính hợp pháp của hình thức hợp đồng. Theo quy định của khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 thì “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định trao đổi qua điện thoại là hình thức hợp đồng bằng văn bản. Vậy trong trường hợp này hình thức của hợp đồng mua bán giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. là không hợp pháp nên thông tin công ty nhận được về việc hợp đồng của công ty với Công ty X. có thể bị tuyên bố vô hiệu vì vi phạm về hình thức của hợp đồng.

Trường hợp thứ hai: Công ty khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Úc. Tòa án Úc sẽ xem xét thẩm quyền giải quyết đối với vụ tranh chấp này trên cơ sở pháp luật của Úc và hình thức của hợp đồng giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. có hợp pháp hay không phụ thuộc vào quy định của pháp luật Úc. Tuy nhiên, vì tranh chấp hợp đồng liên quan đến công trình xây dựng (là bất động sản) trên lãnh thổ Việt Nam nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết riêng của Tòa án Việt Nam. Điều này có nghĩa là nếu Công ty VinaTr. khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Úc, bản án của Tòa án Úc xét xử vụ việc này sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

Trong trường hợp hợp đồng giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. bị Tòa án Việt Nam hủy, để bảo vệ lợi ích của mình, cụ thể là đòi lại 20% số tiền đặt cọc, Công ty VinaTr. có thể lựa chọn các cách thức sau:

Một là, ký lại hợp đồng. Vì hợp đồng giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. vi phạm về hình thức nên các bên có thể khắc phục bằng cách ký lại hợp đồng khác với hình thức đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Cách này chỉ có thể được thực hiện nếu phía Công ty X. đồng ý.

Hai là, khởi kiện. Trong trường hợp hợp đồng giữa Công ty VinaTr. và Công ty X. bị hủy và phía Công ty X. không đồng ý ký lại hợp đồng thì để đòi lại 20% tiền đặt cọc cũng như yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh phía Công ty VinaTr. có thể khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Việt Nam. Căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 2 Điều 410 Bộ Luật TTDS 2004 thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết đối với “Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam”. Công ty VinaTr. cũng có thể khởi kiện Công ty X. tại Tòa án Úc, khi đó thẩm quyền của Tòa án Úc sẽ được xem xét trên cơ sở pháp luật của Úc.

BÀNH QUỐC TUẤN (Khoa Luật – ĐH Kinh tế Luật)

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 – 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục