- Từ năm 1954, tôi làm cộng tác viên cho Công an Hà Nội. Năm 1961, tôi chuyển sang làm ở Bách hóa Tổng hợp Hà Nội. Năm 1976, tôi tự nghỉ việc rồi vào TPHCM. Giờ tôi 82 tuổi mà không được hưởng chế độ gì, tôi buồn lắm. Vậy thời gian từ 1954-1976 có được tính để hưởng hưu trí không?
VŨ THỊ NGỌC, quận Bình Thạnh, TPHCM
>> Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM: Theo quy định, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995 nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp 1 lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian công tác. Trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân - viên chức tự ý thôi việc hay quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính là thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH.
Rất tiếc, do bà tự ý nghỉ việc, không được sự đồng ý của cơ quan nên thời gian từ năm 1954-1976 không được tính là thời gian công tác để hưởng chế độ BHXH.
- Tôi ở trong quân đội năm 1965-1977, sau đó chuyển ngành ra Sở Công nghiệp TPHCM. Tháng 4-1998 tôi nghỉ mất sức lao động. Sau này, tôi hưởng chế độ thương binh gần 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp BHXH 2 triệu đồng/tháng. Thời gian từ 1965-1977 của tôi có được tính để hưởng lương hưu không?
VÕ VĂN ĐỒNG, quận Tân Bình, TPHCM
>> Căn cứ hồ sơ gốc do chúng tôi đang quản lý thì thời gian công tác trong quân đội của ông từ năm 1965-1977 đã được tính là thời gian đóng BHXH để tính hưởng chế độ BHXH vào thời điểm tháng 4-1998 rồi.
- Tôi đi bộ đội vào năm 1965, đến tháng 1-1976 thì về, là thương binh 2/4, mỗi tháng được hưởng trợ cấp 2,5 triệu đồng. Gần đây, tôi được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc da cam, được gần 5 triệu đồng nữa. Như thế, 11 năm đi bộ đội, tôi có được hưởng chế độ BHXH gì không?
TRỊNH XUÂN DƯƠNG, quận 12, TPHCM
>> Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/NĐ-CP ngày 11-11-2015 quy định quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15-12-1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thì thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó được cộng nối với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH. Tuy nhiên, do sau khi xuất ngũ đến nay, ông không tham gia đóng BHXH bắt buộc nên thời gian công tác trong quân đội chưa có cơ sở để tính hưởng BHXH.
- Năm 1987 tôi đi bộ đội, năm 1993 phục viên, làm kinh tế ở một công ty. Năm 1997 tôi nghỉ, hưởng chế độ một lần. Sau đó, từ năm 2002-2015, tôi lại đi làm rồi nghỉ và hưởng chế độ một lần. Tôi có được tính giai đoạn 1987-1993 để hưởng chế độ BHXH không?
NGUYỄN QUANG LÝ, huyện Củ Chi, TPHCM
>> Theo ông kể, ông có tham gia BHXH và đã hưởng trợ cấp 1 lần cho giai đoạn 1993-1997 và 2002-2015. Do hiện nay ông không tham gia BHXH bắt buộc nên thời gian công tác trong quân đội chưa có cơ sở tính hưởng BHXH.
- Năm 1972 tôi đi bộ đội, năm 1990 xuất ngũ. Tôi có 17 năm, 8 tháng, 24 ngày trong quân đội, chưa hưởng chế độ gì. Như vậy, chế độ BHXH của tôi ra sao?
TRẦN ĐÌNH HÒA, quận Gò Vấp, TPHCM
>> Thời gian công tác trong quân đội chưa được tính hưởng theo Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/NĐ-CP thì sẽ được cộng nối với thời gian tham gia BHXH sau này để tính là tổng thời gian tham gia BHXH. Đề nghị ông nộp toàn bộ hồ sơ liên quan đến thời gian công tác trong quân đội cho nơi ông đang làm việc để chuyển cơ quan BHXH thẩm định. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ tính bổ sung thời gian tham gia BHXH cho ông.