(SGGP).- Hôm nay 27-10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII bắt đầu tuần làm việc thứ 2. Trong ngày làm việc đầu tuần, Quốc hội sẽ nghe các tờ trình và báo cáo về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Ở lĩnh vực xây dựng pháp luật, trong tuần này, Quốc hội còn xem xét các dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam…
Theo chương trình nghị sự, ngày 29-10, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là tuần làm việc có tới 6 phiên họp của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đó là các phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.
Để chuẩn bị cho các phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã có báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến kết quả tái cơ cấu nền kinh tế. Báo cáo cho biết, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng, kết quả sơ bộ là tỷ trọng dự án khởi công mới giảm 2/3 so với bình quân giai đoạn 2006 - 2010; tỷ trọng dự án hoàn thành tăng mạnh, bình quân vốn bố trí cho một dự án tăng gấp đôi so với bình quân giai đoạn 2006 - 2010. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt, các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc ban hành Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn được đánh giá là sẽ khắc phục những tồn tại bất cập trong quản lý đầu tư công thời gian qua, hoàn thiện chính sách đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và chủ trương tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công nói riêng.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống chính sách, pháp luật về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã được hoàn thiện một bước căn bản và được triển khai đồng bộ.
Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất để triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; quy định giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Nhìn chung, theo Bộ KH-ĐT, sau hơn hai năm thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu đã mang lại kết quả nhất định. Số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu được kiềm chế và bước đầu được xử lý, năng lực tài chính được nâng lên, nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém được đẩy lùi, an toàn hệ thống được cải thiện. Tuy nhiên, theo một số vị đại biểu Quốc hội, bản báo cáo khá vắn tắt, ít số liệu cập nhật, nhất là với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.
ANH THƯ