

Halberstam
Nhà báo lão thành Mỹ David Halberstam vừa qua đời vì tai nạn xe hơi ở Nam San Francisco ngày 23-4. Ông từng đoạt giải Pulitzer 1964 với loạt bài nổi tiếng phản đối cuộc chiến Mỹ gây ra ở Việt Nam. Halberstam được xem là một nhà sử học về cuộc chiến Việt Nam.
- Lặn lội chiến trường phanh phui sự thật
David Halberstam sinh ngày 10-4-1934 tại New York, cha là bác sĩ phẫu thuật quân đội, mẹ là giáo viên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1955, cuộc đời ông gắn chặt với nghề báo. Đầu tiên, ông làm cho tờ West Point Daily Times Leader ở Mississippi, rồi tờ Nashville Tennessean.
Năm 1960, ông gia nhập tờ New York Times (NYT). Sang Việt Nam từ năm 1962, ông là một phóng viên chiến trường trẻ đã ghi dấu ấn trong làng báo thế giới khi dũng cảm có loạt bài nhận định Mỹ sẽ lún sâu và thất bại trong cuộc chiến. Tiếng nói phản ánh sự thật đã làm các chỉ huy quân đội Mỹ và Nhà Trắng “tức điên lên” (“infuriated”, từ dùng của NYT). Tổng thống John F. Kennedy đã buộc chủ báo NYT lúc đó là Arthur Ochs Sulzberger phải rút ông về nước nhưng Sulzberger không chấp nhận. Với loạt bài về cuộc chiến Việt Nam này, Halberstam đã đoạt giải Pulitzer 1964, lúc đó ông mới 30 tuổi.

David Halberstam(bìa trái) và các đồng nghiệp hãng tin AP và UPI, tại đồng bằng sông Cửu Long năm 1963. Ảnh: AP
Từ năm 1967, ông chuyển sang viết sách và viết cho một số báo, hãng tin như Times, AP. Thất bại quân sự của Mỹ ở Việt Nam là đề tài lớn của Halberstam, với nhiều cuốn là best-seller. Năm 1965, ông viết cuốn “The Making of a Quagmire” (Tạo nên bãi lầy) mô tả cách Mỹ lún sâu vào cuộc chiến từ đầu thập niên 1960.
Cuốn này đã đưa “quagmire” (sa lầy) thành từ diễn tả cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Cuốn best-seller năm 1972, “The Best and the Brightest” (Những người giỏi nhất và thông minh nhất) đã phân tích các sai lầm của những thành phần ưu tú nhất trong Chính phủ Mỹ, đặc biệt vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, đã đưa Mỹ lún sâu vào cuộc chiến không thể điều khiển và không thể thắng tại Việt Nam.
Năm 2002, cuốn best-seller khác là “War in a Time of Peace” (Cuộc chiến thời bình) nói về cách các bài học Việt Nam ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Mỹ thời hậu chiến tranh lạnh. Gần đây, ông có nhiều bài viết rút ra những so sánh về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và ở Việt Nam, với nhận định Mỹ sẽ lại bị “sa lầy” ở Iraq.
Hai ngày trước khi mất vì tai nạn, Halberstam đã diễn thuyết tại Đại học California với đề tài “Biến báo chí thành lịch sử”. Ông mất khi đang trên đường đi phỏng vấn Y.A. Title, cựu tiền đạo đội New York Giants, để viết sách.
- Nhà báo - nhà viết sử
Dù Halberstam luôn cho rằng mình “không tài giỏi như người khác, nên phải làm việc tích cực hơn”, nhưng ông được đánh giá là một nhà viết sử lớn của nửa sau thế kỷ 20, với tiêu chí những gì viết ra phải là sự thật.

Halberstam tại chiến trường Việt Nam đầu những năm 1960
George Esper, phóng viên AP trong 42 năm, giáo sư thỉnh giảng khoa báo chí Đại học Tây Virgina, nói: “Halberstam không ngồi chờ các thông cáo mà đến tận chiến trường để chính mắt nhìn thấy, để giữ vững cam kết về “quyền được biết sự thật” của độc giả”.
Một người bạn của Halberstam từ thời chiến tranh Việt Nam là Peter Arnett – đoạt giải Pulitzer với tường thuật cho CNN từ Baghdad thời chiến tranh vùng Vịnh lần đầu – không thể quên sự can đảm của Halberstam khi nhảy vào cứu Arnett khỏi bị cảnh sát đánh đập khi đưa tin biểu tình của Phật giáo chống chính phủ Sài Gòn hồi năm 1963. Theo Arnett, Halberstam là người am hiểu cuộc chiến Việt Nam hơn bất cứ nhà báo nào khác.
Neil Sheehan, tác giả sách về chiến tranh Việt Nam “A Bright Shining Lie” (Sự lừa dối hào nhoáng), một bạn thân khác của Halberstam, từng trưởng văn phòng UPI ở Sài Gòn thời chiến, cho biết: “Ông ấy không bao giờ mệt mỏi, luôn có tinh thần cực vững và rất can đảm, chính trực... Chúng tôi đến Việt Nam có lúc bị nhiều áp lực, nhưng Halberstam thì không bao giờ để nhà chức trách và chính trị chi phối công việc của ông”.
Orville Schell, trưởng khoa báo chí Đại học California, cho rằng: “Ở mức độ nhà báo có khả năng làm thay đổi đường lối các chính phủ và cả lịch sử, tôi nghĩ Halberstam đúng là một người như thế”.
Thiện Nguyễn (tổng hợp)
Halberstam đã viết hơn 20 cuốn sách đủ thể loại, cuốn mới nhất của ông, sẽ được xuất bản vào tháng 9 tới, là “The Coldest Winter” (Mùa đông lạnh nhất), viết về nước Mỹ và cuộc chiến Triều Tiên. Ngoài đề tài chiến tranh, ông còn xuất sắc ở nhiều đề tài khác, từ viết về sự hy sinh của các lính cứu hỏa ở WTC trong vụ khủng bố 11-9-2001, đến áp lực cao của thể thao chuyên nghiệp, rồi về công nghiệp ô tô, về truyền thông hiện đại... Mới đây, ông trả lời phỏng vấn của kênh NY1 News: “Trở nên chuyên nghiệp là làm công việc bạn yêu thích, vào những ngày bạn không cảm thấy thích làm việc đó”. |