Năm 2013, với lý do là cần thiết phải bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định đánh thuế túi ni lông. Việc áp dụng quy định đánh thuế nhằm buộc các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng chuyển sang sử dụng túi thân thiện với môi trường hoặc túi tự hủy sinh học. Tuy nhiên, việc ban hành không có lộ trình, không tiếp nhận ý kiến đóng góp đa chiều từ phía người dân, cơ quan chức năng và cả doanh nghiệp sản xuất đã biến quy định với mục đích tốt thành quy định mang tính chủ quan, duy ý chí.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, hiện số doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, sản phẩm do họ sản xuất rất khó để có thể tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Duy nhất một đơn vị sản xuất và bán cho một số hệ thống siêu thị - đơn vị có khả năng tiêu thụ sản phẩm này là đang “sống tốt”. Số doanh nghiệp còn lại phải tìm đường xuất khẩu hàng hóa của mình sang nước ngoài. Lý giải thực trạng này, các doanh nghiệp cho biết, giá thành sản phẩm là nguyên nhân chính khiến cho thị phần sản phẩm của doanh nghiệp bị cản trở. Trung bình, 1kg sản phẩm bao bì nhựa tự hủy của doanh nghiệp có giá cao gấp 1/3 giá thành sản xuất các loại túi ni lông thông thường chính hãng. Nói “chính hãng” tức là sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu. Còn những sản phẩm của các doanh nghiệp không có thương hiệu thì giá thành thấp hơn nhiều lần giá thành sản phẩm túi ni lông tự hủy. Hơn nữa, những doanh nghiệp không có thương hiệu lại là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Không ít trong số họ hoạt động không chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Họ lại là nguồn cung cấp hàng chính cho hệ thống chợ truyền thống. Chính vì thế mà doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy không có cơ hội để cạnh tranh giá thành với những doanh nghiệp không sản xuất sản phẩm túi ni lông tự hủy.
Một lý do khác khiến cho túi ni lông tự hủy “chết yểu” là do chưa có quy định nào cấm người tiêu dùng, bao gồm người bán và người mua, phải sử dụng túi ni lông tự hủy. Do vậy, người tiêu dùng đều đồng thuận sử dụng túi ni lông thông thường, thậm chí kém chất lượng để giảm chi phí tiêu dùng. Qua thu gom rác hiện nay cho thấy có đến 8% - 10% thành phần rác thải là các loại ni lông. Thành phần này thường trộn lẫn với rác sinh hoạt nên gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xử lý rác thải.
Để giúp nâng cao hiệu quả xử lý chất thải của thành phố, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường do xử lý rác thải ni lông gây ra, thành phố đã cho đầu tư nhà máy tái chế ni lông thành dầu sinh học. Thế nhưng những trở ngại phân loại rác tại nguồn từ phía người dân cũng đang khiến nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất nghiêm trọng.
PHÚC ANH