Hơn 1 năm sau khi nắm quyền, chính phủ gồm liên minh giữa đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) và phong trào 5 sao (M5S), đại diện của phe dân túy và cực hữu của Italy đã tan rã, buộc Tổng thống Sergio Matterella phải tham vấn ý kiến của các chính đảng trong Quốc hội Italy để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay.
Mâu thuẫn giữa 2 đảng này vốn đã âm ỉ từ lâu. Khi ở vị thế đối lập, 2 bên luôn chỉ trích mọi quyết định của Chính phủ Italy. Tuy nhiên, khi thắng cử và cùng lập chính phủ, liên minh NL và M5S đã lúng túng trong nhiều vấn đề do không có sự đồng thuận. Đường hướng của Chính phủ Italy không do Thủ tướng quyết định mà trên thực tế là trong tay ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cũng là người đứng đầu đảng NL theo chủ trương cực hữu.
Dự kiến, các cuộc tham vấn do Tổng thống Sergio Matterella tiến hành sẽ kéo dài 2 ngày và lãnh đạo các đảng lớn của Italy, trong đó có đảng Dân chủ (PD), Tiến lên Italy (Forza Italy), NL và M5S, sẽ có cuộc gặp với tổng thống trong ngày 22- 8. Theo giới phân tích, Tổng thống Italy có thể đề xuất thành lập một nội các kỹ trị tạm quyền trong vài tháng tới, nếu các chính đảng đồng ý. Trong trường hợp không có lựa chọn nào khả dĩ, ông sẽ giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử trước thời hạn, sớm nhất vào đầu tháng 10 tới.
Hiện có ý kiến cho rằng một liên minh mới, lâu dài sẽ là điều cần thiết cho Italy và có thể một liên minh giữa PD và M5S sẽ được hình thành nhằm đảm bảo cho sự ổn định chính trị tại nước này. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Matteo Salvini được cho là đang tìm cách thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm, do các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ với đảng NL của ông đang đạt mức cao.
Dự báo cho thấy NL có thể giành được 36%-38% số phiếu bầu vào lúc này, cao nhất trong số các đảng phái hiện tại. Trong cuộc bầu cử cách đây hơn 1 năm, NL chỉ giành được 17% số phiếu bầu. Ông Salvini có thể trở thành thủ tướng nếu NL đạt tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử sớm và liên kết với một chính đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro cũng có thể xảy ra khi thành viên trong liên minh hiện tại là M5S tính đến kế hoạch liên kết với đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất ở Italy, để thành lập một chính phủ khác.
Theo giới quan sát, bế tắc chính trị tại Italy nhiều khả năng sẽ đẩy nước này rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới và đối mặt tương lai bất định, bởi nó xảy ra trong thời điểm Italy đang ở giai đoạn đối thoại với các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến việc đề xuất ứng cử viên cho vị trí ủy viên kinh tế EU.
Bên cạnh đó, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là tìm giải pháp vực dậy kinh tế ở Italy vẫn không có đột phá. Từ lâu, kinh tế nước này đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, điều khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục sau khủng hoảng kinh tế 2008. Kể từ đầu năm 2018 trở lại đây, tăng trưởng kinh tế Italy luôn ghi nhận tình trạng sụt giảm qua các quý.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 của eurozone và lại có mức nợ lớn, Italy đặt ra một nguy cơ tiềm tàng lớn hơn nhiều đối với số phận của hệ thống tài chính châu Âu và đồng tiền chung EUR so với cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp.