
Có một kế hoạch được âm thầm thực hiện bởi những người trung thành một cách mù quáng với chính quyền Sài Gòn. Ngay sau khi mất Tây Nguyên, Đà Nẵng…., tướng Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh Vùng 4 quân đội Sài Gòn đã chuẩn bị khá hoàn chỉnh kế hoạch lập mật khu để tiếp tục bám trụ tử thủ. Tuy nhiên kế hoạch đó nhanh chóng vỡ tan.
- Kế hoạch tử thủ ở Cần Thơ

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa di chuyển những người Mỹ và cộng sự ra khỏi Sài Gòn.
Lê Nguyên Bình, Đại tá thuộc Bộ Tham mưu Quân đoàn 4 quân đội Sài Gòn kể lại: “Trong thời gian này, tại Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Quân đoàn 4 đã đặt nỗ lực vào việc xây nhiều địa ốc thật kiên cố chuẩn bị cho Bộ Tổng tham mưu của quân lực và các đơn vị bạn, khi cần có thể rút về giữ tuyến cuối cùng. Lợi dụng vị trí thiên nhiên của sông Tiền Giang cắt ngang với miền Nam, với địa thế sình lầy của vùng Đồng Tháp có thể làm giảm thiểu tốc độ di chuyển quân của Cộng quân.
Với sự tồn tại của toàn bộ các thị trấn chưa nơi nào lọt vào tay Cộng quân, với các căn cứ không quân và hải quân vẫn còn nguyên vẹn có thể dùng làm căn cứ cho lực lượng liên hệ từ các quân khu khác rút về”. Ngụy quân hy vọng với 3 sư đoàn bộ binh cộng với lực lượng quân địa phương họ sẽ cầm cự được và chờ cơ hội phản công khi “cơn sốt chính trị gây rối loạn và hoang mang trong hàng ngũ qua đi”. Lê Nguyên Bình kể tiếp: “Tôi mang ý kiến này ra bàn với Tư lệnh Quân đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam thì được tán thành ngay. Cuộc phòng thủ cuối cùng của quân đội vẫn được ráo riết thực hiện”.
Một sĩ quan tùy viên kể: “Từ ngày 24 đến 30-4-1975, trước sức ép của quân giải phóng đã chia cắt và chiếm lộ 4 (quốc lộ 1 hiện nay) nhiều đoạn dài, tỉnh trưởng Long An nhiều lần gọi điện xin được dùng thuốc nổ phá hủy hai cầu Tân An và Bến Lức nhằm cắt đứt bước tiến của Cộng quân nhưng Nguyễn Khoa Nam nhất quyết không đồng ý vì dự phòng phương án cho chính quyền Bộ Tư lệnh quân đội Sài Gòn lui về Cần Thơ bằng đường bộ”. Chung Tấn Cang, nguyên Đô đốc Hải quân, người chỉ huy toàn bộ hạm đội Hải quân Sài Gòn cũng chuẩn bị một chiến hạm cho chính phủ Dương Văn Minh lưu vong ra nước ngoài hoặc lui về Cần Thơ tử thủ.
Lê Minh Đảo, Thiếu tướng, Tư lệnh Sư đoàn 18 sau thất bại trong việc chốt chặn đường tiến của đại quân giải phóng Xuân Lộc cũng đặt hết hy vọng vào vùng này. Theo một tài liệu của Nguyễn Tuyến kể lại: “Quân đoàn 4 có dự trữ đạn dược ít nhất cầm cự được vài tháng để chờ đợi vận động quốc tế yểm trợ chứ chưa đến nỗi phải đầu hàng một cách nhục nhã như vậy”. Chính vì niềm hy vọng này mà Lê Minh Đảo không bỏ chạy ra nước ngoài như các tướng tá Sài Gòn khác. Sau 30-4, tướng Đảo về Cần Thơ nhưng mọi chuyện không như ông ta nghĩ.
Về ý chí “đánh tới cùng” của hai tướng Tư lệnh Vùng 4, bà Phạm Thị Kim Hoàng, vợ của Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Tư lệnh phó Vùng 4 - người chứng kiến chồng tự sát vào chiều 30-4 kể lại: “Tướng Nguyễn Hữu Hạnh thay thế cho tướng Vĩnh Lộc đã nhiều lần gọi điện thoại xuống Cần Thơ khẩn khoản yêu cầu Tướng Hưng về hợp tác với Dương Văn Minh. Nhưng tướng Hưng khẳng định “Không hợp tác với Dương Văn Minh. Tử chiến đến cùng”, nhất định không chấp nhận lời yêu cầu đầu hàng của chính quyền Sài Gòn.
- Đổ vỡ
Dù được chuẩn bị rất chu đáo nhưng hai tướng Nam và Hưng đã không thể khởi động được kế hoạch này. Đến giờ phút cuối, người giữ mật vụ hành quân đã bỏ trốn. Bà Hoàng kể: “Kế hoạch hành quân đã thảo xong. Lương thực đạn dược sẵn sàng. Tất cả đều chuẩn bị cho các cánh quân di chuyển, sẽ đưa về các tuyến chiến đấu. Từ 2 đến 4g chiều ngày 30-4, đúng theo kế hoạch thì lệnh hành quân bắt đầu. Nhưng hỡi ôi, khi liên lạc đến các cấp chỉ huy của các đơn vị thì mới hay họ chưa biết tí gì về kế hoạch. Tìm kiếm đại tá an ninh, người lãnh nhiệm vụ phân phối phóng đồ và lệnh hành quân mật đến các đơn vị thì mới vỡ lẽ ra vị sĩ quan này đã đưa vợ con tìm đường tẩu thoát sau khi ném lại tất cả mật lệnh vào tay đại úy dưới quyền. Ông này cũng cuốn gói trốn theo đại tá đàn anh. Thiếu tướng Nam và Hưng tức uất không sao tả nổi.
Một nguyên nhân khác được lý giải về sự đổ vỡ kế hoạch trên là bản thân tướng Nam và tướng Hưng không dự liệu được tình huống đầu hàng của chính quyền Sài Gòn. Lê Nguyên Bình kể: “Qua Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng và chuẩn bị bàn giao căn cứ. Mọi người đều rúng động, không khí căng thẳng đến cực độ. 10g30 phút sáng, Thiếu tướng Nam bước vào hội trường với ánh mắt thật buồn”. Một yếu tố nữa làm cho kế hoạch của tướng Nam tan thành mây khói là sự mất khả năng kiểm soát của chính quyền Cần Thơ: “Cần Thơ, sáng 30-4-1975, dân chúng nhốn nháo hoang mang, đã có một số binh sĩ bỏ ngũ. Tại thị xã, cảnh náo loạn đáng buồn chưa từng có đã xảy ra”. Kế hoạch tử thủ ở Cần Thơ cũng không thuận theo lòng quân dân địa phương.
Tuy nhiên, nguyên nhân quyết định làm cho kế hoạch lập mật khu sụp đổ chính là sức mạnh tổng tiến công, tổng khởi nghĩa, áp dụng đồng thời ba mũi giáp công của ta. Lực lượng Quân khu 9 đã bao vây Cần Thơ và tấn công quyết liệt vào nhiều vị trí trọng yếu, cắt đứt mọi khả năng tiếp tế của lực lượng ngụy quân. Đài Phát thanh, Truyền hình Cần Thơ đều lọt vào tay quân giải phóng. Lê Văn Hưng tự sát vào chiều 30-4 và tướng Nam tự sát vào sáng ngày 1-5. Kế hoạch hành quân lập mật khu vĩnh viễn khép lại, đặt dấu chấm hết cho những gắng gượng cuối cùng của quân đội Sài Gòn. Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân của chúng ta toàn thắng!.
------------------
(*) Tác giả Lê Đại Anh Kiệt, NXB CAND kết hợp với Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa phát hành.
Mạnh Minh lược ghi
Thông tin liên quan |
- Bài 1: Từ Phước Long đến Buôn Ma Thuột |