Tưởng niệm và thức tỉnh

Từ năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát làn sóng lần thứ 4 gây nên những tổn thất, mất mát nặng nề về kinh tế, đời sống, nguồn nhân lực. Đại dịch ảnh hưởng toàn cầu, từng đất nước, từng lĩnh vực đời sống, từng con người. Covid-19 không còn là nỗi đau của riêng ai. 

Cho đến nay, làn sóng Covid-19 càn quét qua TPHCM, đã cướp đi hơn 17.000 sinh mạng con người, hàng trăm trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Con số ấy không dừng lại. Con người phải nghĩ cách sống chung với dịch bệnh. Bài toán vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế không dễ tìm ra lời giải thích hợp nhất. Chưa bao giờ lãnh đạo thành phố phải đứng trước nhiều thử thách như những ngày đã qua.

Covid-19 là một thảm họa thật khủng khiếp nhưng cũng làm thay đổi nhiều giá trị, đánh thức nhiều cách nghĩ, cách sống. Thật may là chúng ta còn có những tư duy biến nguy thành an, biết nhìn thấu để thay đổi. Covid-19 làm được một điều mà nó không ngờ đến: kích hoạt tình người để yêu thương, suy ngẫm về hạnh phúc; để nhìn nhận lại nhiều giá trị bị đánh mất. Rồi đây thế giới sẽ phải thay đổi để tồn tại, thích ứng với thảm họa. Tiếng chuông cầu nguyện sẽ ngân lên truyền đi thông điệp: để cứu trái đất này, con người chỉ có một cách duy nhất - hòa bình và yêu thương. 

Tưởng niệm nạn nhân Covid-19 là điều cần làm và phải làm, để nhắc nhớ một cuộc diễn tập lịch sử trước thiên tai, địch họa và cả sai lầm của con người. Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khắp cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Tây, chắc chắn không thể có một lễ tưởng niệm hoành tráng, tập trung đông người theo cách làm truyền thống. Cũng có thể làm một buổi lễ qua hình thức trực tuyến, kết nối nhiều người. Nhưng tưởng niệm cách nào thì cũng là hình thức. Để nhớ về nạn nhân trong thảm họa Covid-19 cũng có rất nhiều cách để lên tiếng. Văn học, báo chí, điện ảnh, hội họa, âm nhạc... cùng vào cuộc, nhắc về thảm họa này. Hồi chuông tưởng niệm nạn nhân Covid rung lên cũng là để cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta: Covid-19 không loại trừ ai, con người phải thức tỉnh, thay đổi, thích ứng để sống còn trước thiên tai, địch họa. 

Một tọa đàm mang tính chia sẻ, tâm tình “Nhà văn viết gì thời Covid” vừa diễn ra, với  nhiều ý kiến về sự khốc liệt của dịch bệnh, về dũng khí của TPHCM, về tình người, về số phận con người... Tọa đàm có cả tiếng lòng của những nhà thơ về dịch bệnh, về nước mắt đa cảm của người lính trước trận chiến với kẻ giấu mặt. Có cả những vấn đề khó của người cầm bút như nhiều nhà văn lớn tuổi xa lạ với mạng xã hội; có cả những ý kiến trái chiều, những cái nhìn đa diện... Nhưng tất cả đều gặp nhau ở câu hỏi: Chúng ta sẽ viết gì và liệu có tác phẩm hay, tầm cỡ về Covid-19? Liệu khi viết đến tận cùng nỗi đau, tác phẩm có thể ra mắt? Chúng ta sẽ thích ứng thế nào trước thảm họa do tác động sâu sắc của dịch bệnh và trận chiến này đâu phải trận cuối cùng. 

Tôi tin sau cú “liểng xiểng” vì Covid-19, hoàn hồn lại, có một độ lùi thời gian, tác phẩm viết về thân phận, nỗi đau, khát vọng mưu sinh, kiếm tìm hạnh phúc, viết về cuộc chiến không chỉ với kẻ thù giấu mặt mà còn là cuộc chiến chống lại bệnh duy ý chí, những trái khoáy, nghiệt ngã... là tiền đề cần cho những nhà văn có tâm huyết, tài năng viết nên những tác phẩm lay động trái tim con người. Nói một cách khác, biến động Covid-19 giúp những nhà văn có được cơ hội lịch sử để viết nên tác phẩm tầm vóc. 

Chúng ta đang sống thay cho những người ra đi vì Covid-19, trong đó có những người khả kính, có nhiều công lao cho đất nước, cả những bệnh nhân lẽ ra không chết nếu không vì Covid-19. Nên được sống và kể lại thời Covid-19 là một cách tưởng niệm. Tưởng niệm để thức tỉnh.  

Người còn sống tưởng niệm nạn nhân Covid-19 cũng là để thức tỉnh chính mình bằng hành động, bằng thay đổi lối sống để thích nghi thời “bình thường mới”, bằng kích hoạt yêu thương.

Tin cùng chuyên mục