Tuyên bố của chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc về việc khám xét tàu thuyền trên biển Đông cùng với hành động làm đứt cáp thu nổ địa chấn tàu Bình Minh 02 của Việt Nam tiếp tục gây lo ngại cho cộng đồng thế giới.
Ngăn chặn tự do hàng hải
Viết trên tờ Washington Times, đô đốc Hải quân về hưu của Mỹ, James A. Lyons, cho rằng trong lúc thế giới đang chú ý tới các diễn biến hậu “Mùa xuân Arập” và tình hình xung đột Israel-Palestine, Trung Quốc tiếp tục các hành vi gây hấn ở cả biển Hoa Đông và biển Đông. Ông cho rằng đây là các vùng biển có nhiều tuyên bố chủ quyền lại là vùng biển chiến lược với hơn một nửa các chuyến tàu thương mại thế giới đi qua và cũng là nơi có nhiều tài nguyên.
Theo ông Lyons, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ là cường quốc thống trị Thái Bình Dương. Về tuyên bố của Trung Quốc cho biết kể từ ngày 1-1-2013, họ có quyền chặn và khám xét bất kỳ tàu nào vào biển Đông “bất hợp pháp”, ông Lyons cho rằng tuyên bố này là không thể chấp nhận và phải bị lên án mạnh mẽ vì điều đó vi phạm nghiêm trọng tự do hàng hải, một nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế.
Báo The Wall Street Journal cho rằng hành động đòi khám xét tàu vào biển Đông gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực. Tờ Wall Street Journal cho biết Philippines và Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về quyết định này trong khi Singapore bày tỏ quan ngại. Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc D.K. Joshi cho biết nếu cần thiết sẽ đưa tàu chiến của Ấn Độ tới khu vực này để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ.
Giải cơn khát năng lượng
Các tuyên bố về biển Đông của Trung Quốc diễn ra cùng lúc với việc Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc công khai nêu mục tiêu nâng sản lượng khai thác khí đốt ở biển Đông lên tới 15 tỷ m3 vào năm 2015. Theo trang web của cơ quan này (www.nea.gov.cn), trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, biển Đông sẽ là khu vực chính trong các vùng mà Trung Quốc dự tính đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác khí đốt ở ngoài khơi.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Bắc Kinh đề ra mục tiêu đẩy mạnh thăm dò, khai thác khí đốt ở biển Đông có nguy cơ làm gia tăng các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei…
Theo Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, Trung Quốc hy vọng đạt mức khai thác khí đốt ở ngoài khơi lên tới 20 tỷ m³ vào năm 2015, trong đó, vùng biển Đông là 15 tỷ m³. Mục tiêu của Bắc Kinh là vào năm 2015, tổng sản lượng khai thác khí đốt sẽ lên đến 176 tỷ m3. Năm 2011, sản lượng này là 102 tỷ m³.
Mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc dự tính lên đến 230 tỷ m³ vào năm 2015. Như vậy, các nguồn nhập khẩu khí đốt sẽ đáp ứng 35% tổng mức tiêu thụ của Trung Quốc. Biển Đông được đánh giá là nơi có trữ lượng lớn về dầu khí. Tháng 8-2012, Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), tập đoàn khai thác dầu khí ngoài khơi lớn nhất của nước này, đã mời gọi các công ty nước ngoài tới thăm dò và khai thác dầu khí tại 22 lô trên biển Đông, trong đó có hai lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Báo The Star của Malaysia cho rằng quyết định khám xét tàu trên biển Đông của chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, đã được cấp trên đồng ý. Mục đích chính của quyết định này là để “xử lý các tàu đánh cá của Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa”, nơi Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam từ năm 1974. Phạm vi khám xét, theo ông Ngô Sư Xuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Tờ báo này dẫn lời ông Ngô, các nước không nên phản ứng “quá mức” với quyết định này. |
KHÁNH MINH tổng hợp