

V.Ivanov
Ngày 7-2, Tổng thống Nga V.Putin ký lệnh thành lập Ban đặc nhiệm liên ngành nhằm thực hiện Công ước chống tham nhũng của LHQ và Công ước trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng của Hội đồng châu Âu.
Ban đặc nhiệm này do Viktor Ivanov, trợ lý Tổng thống đứng đầu. Ông V.Putin nhiều lần nói rằng vấn đề tham nhũng là một trong những vấn đề gay gắt nhất trong xã hội Nga. Tuy vậy, cho đến nay cuộc đấu tranh chống tham nhũng hoàn toàn giao cho Viện Kiểm sát TW, trong khi viện này bị trói buộc bởi luật lệ hiện hành.
Đến ngày 1-8-2007, Ban đặc nhiệm phải chuẩn bị xong các sửa đổi tương ứng về luật, để có thể diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng. Trong quá trình chuẩn bị đó, có thể mời các nhà khoa học, các chuyên viên tham gia trên cơ sở ký hợp đồng, nghĩa là sẽ trả tiền công cho họ.
Theo sắc lệnh của tổng thống, Ban đặc nhiệm có quyền hạn rất rộng lớn. Chẳng hạn, các ủy viên của Ban đặc nhiệm được quyền sử dụng tài liệu khác nhau của các cơ quan chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Quan chức bất kể cấp nào đều có thể bị triệu tập đến giải trình theo yêu cầu của Ban đặc nhiệm. Ngày 15-2 tới sẽ công bố nhân sự của Ban đặc nhiệm.
Ban đặc nhiệm sẽ có các nhóm chuyên viên tạm thời hoặc thường trực. Hoạt động của Ban đặc nhiệm sẽ được Văn phòng Tổng thống bảo đảm về mọi mặt vật chất, kỹ thuật, lấy từ khoản chi chống tham nhũng. Việc thành lập Ban đặc nhiệm có nghĩa chấm dứt hoạt động của cái gọi là “Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Nga”. Hội đồng đó được thành lập tháng 11-2003, do Thủ tướng lúc ấy là Mikhail Kasianov đứng đầu.
Nên biết rằng ở nước Nga có vô số cơ quan chống tham nhũng của nhà nước và xã hội. Bộ nào cũng có Ban chống tham nhũng. Viện Duma quốc gia có một ban riêng, Viện Kiểm sát TW có Vụ đặc nhiệm chống tham nhũng. Nhưng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, hầu hết các cơ quan ấy chỉ đấu tranh với các biểu hiện, với cái ngọn của tham nhũng. Mà muốn diệt trừ một hiện tượng xấu, thì trước tiên phải loại trừ nguyên nhân nảy sinh nó.
- Những biện pháp chống tham nhũng
Việc đầu tiên là tăng cường trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm hình sự, đồng thời phải cải cách luật pháp để ngăn chặn quan chức phạm tội. Ngoài ra cũng cần cải cách hành chính, nhằm giảm thiểu sự can thiệp từ phía nhà nước vào các vấn đề kinh tế và ngăn chặn những quan chức có quyền quyết định khỏi dính dáng chuyện tiền bạc.
Cuộc cải cách hành chính bắt đầu năm 2003 đã gặp đủ mọi thứ trục trặc, vả lại nó chỉ đánh động các bộ và cố giảm biên chế mà thôi. Song số lượng các vị quan liêu không phải là điều chủ yếu trong việc chống tham nhũng, mà cái chính là khả năng tác động đến chất lượng các quyết định của họ.
Một trong các biện pháp chính chống tham nhũng là công khai việc chi tiêu của các quan chức và gia đình họ, nhằm loại trừ khả năng của họ bí mật chi tiêu các khoản tiền bất chính. Ngoài ra, các quan chức có nghĩa vụ công khai thu nhập và tài sản của mình.
Một biện pháp mới quan trọng có thể là sắc luật điều chỉnh xung đột lợi ích. Theo ý tưởng của các chiến sĩ chống tham nhũng, sắc luật đó sẽ hạn chế việc lựa chọn lĩnh vực hoạt động của quan chức sau khi về hưu. Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự, bên cạnh tội danh lạm dụng chức vụ và quyền hạn, có thể sẽ thêm khái niệm “lạm dụng ảnh hưởng”.
Các dự luật vừa kể, Ban đặc nhiệm phải chuẩn bị dựa trên hai Công ước chống tham nhũng ở trên. Đồng thời các đại biểu Viện Duma Nga kiến nghị rút gọn danh sách những chức danh có quyền bất khả xâm phạm, và đề ra một cơ chế thu hồi số vốn đã bị chuyển (bất hợp pháp) ra nước ngoài.
Trong trường hợp các dự luật trên được thông qua, danh sách các quan chức phải công khai chi tiêu và thu nhập sẽ mở rộng một cách đáng kể. Các quan tòa và người đứng đầu các ban ngành thuộc tòa thị chính hẳn sẽ nằm trong danh sách này. Còn một biện pháp tác động đến ý thức của viên chức là thông qua Luật Đạo đức nghề nghiệp. Việc vi phạm luật này dù không bị điều tra hình sự, song ít ra cũng là căn cứ để cách chức.
- V.Ivanov, người được giao “thanh gươm” chém tham nhũng
Tuy có người nghi ngờ hiệu lực thực hiện các thay đổi về luật vừa kể, nhưng việc bổ nhiệm V.Ivanov - một người thân cận của Putin đứng đầu Ban đặc nhiệm chứng tỏ ý định thật sự nghiêm chỉnh của Kremlin. Vấn đề ở chỗ V.Ivanov (ảnh) không chỉ là đồng nghiệp với tổng thống hồi còn làm việc ở KGB và sau đó ở tòa thị chính Saint-Peterburg, mà còn là nhân vật phụ trách công tác Tổ chức cán bộ của nước Nga.
Người ta biết không nhiều về V.Ivanov, bởi tính chất hoạt động của ông không hoàn toàn công khai. Putin mời V.Ivanov từ Saint-Peterburg về Moskva năm 1998. V.Ivanov từng làm Cục trưởng an ninh ở cơ quan FSB. Năm 1999, V.Ivanov được thăng chức Phó giám đốc FSB phụ trách an ninh kinh tế.
Sau khi Putin trở thành Tổng thống, V.Ivanov chuyển sang điện Kremlin, thoạt đầu làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống. Từ nhiệm kỳ 2 của Putin, V.Ivanov bắt đầu phụ trách công tác tổ chức. Đồng thời tổng thống giao cho V.Ivanov giải quyết các vấn đề quan trọng khác.
Ví dụ V.Ivanov tham gia soạn thảo “Luật quốc tịch” và chính sách mới về nhập cư. Theo logic, mọi sự bổ nhiệm chức vụ ở cấp liên bang đều do Ban tổ chức của tổng thống lo liệu. Putin từng giao việc đó cho V.Ivanov; nay lại giao cho ông đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng, quả là một sự tin cậy đáng kể .
Lê Thiếu Huyền (theo Lenta.ru)