Vừa qua, tại hội nghị trực tuyến tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức, chỉ tiêu tuyển sinh 2013 được xác định không thay đổi nhiều so với năm 2012, trong đó khối ngành cơ khí, kỹ thuật, nông lâm, thủy sản, y dược được ưu tiên phát triển. Đây phải chăng là tín hiệu vui cho những ngành từ lâu vốn bị xem là khó tuyển và liệu bức tranh tuyển sinh thật sự khởi sắc?
Việc chờ người
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lịch sử được xem là ngành khó tuyển thí sinh dù điểm chuẩn luôn ở mức “tiệm cận” điểm sàn. Trong đó, một số chuyên ngành hẹp như khảo cổ học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử thế giới chỉ có vài sinh viên (SV) theo học. PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV TPHCM cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai đơn vị đào tạo chuyên ngành khảo cổ là ĐH KHXH-NV Hà Nội và ĐH KHXH-NV TPHCM khiến nhân lực ngành này đang thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, tuyển sinh năm nào cũng gặp khó khăn. ĐHQG Hà Nội từng mấy năm liền tạm ngưng đào tạo ngành khảo cổ vì không có SV theo học”.
Theo một kết quả thống kê năm 2010, khu vực phía Nam chỉ có 12 tiến sĩ khảo cổ, trong đó 8 người đang làm việc và 4 người đã nghỉ hưu. Dự báo trong 10 năm tới sẽ không có lực lượng kế thừa. Nguyễn Văn Thắng, cựu SV chuyên ngành này, bày tỏ: “Hiện nhiều người vẫn giữ quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào lịch sử”, học 4 năm ra trường chỉ để có tấm bằng ĐH. Trong khi nhu cầu nhân lực các ngành khảo cổ, bảo tàng học không nhỏ, nếu chịu khó, SV ra trường vẫn có thể kiếm được việc làm tốt với thu nhập cao”.
Tương tự, một số ngành đang bị “thất sủng” khác như Hán Nôm - Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Bản đồ-Viễn thám-GIS - Khoa Địa lý, Tôn giáo học - Khoa Triết học (ĐH KHXH-NV), Vật lý lý thuyết, Vật lý chất rắn - Khoa Vật lý, Toán lý thuyết - Khoa Toán-Tin học (ĐH KHTN)… năm nào cũng chật vật tìm thí sinh dù cơ hội việc làm, học bổng du học ở những ngành này khá lớn.
Riêng đối với nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Cơ-Điện-Điện tử, ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, cho biết: “Từ năm 2007 trở về trước, điểm chuẩn các ngành cơ khí, kỹ thuật luôn ở mức 16-17 điểm. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, điểm chuẩn đã hạ, thí sinh có xu hướng rớt kinh tế mới vào kỹ thuật khiến tuyển sinh ngày càng khó”.
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM năm 2012 cho thấy, hàng loạt các ngành cơ khí, kỹ thuật như điện tử viễn thông, luyện kim, ô tô, chế tạo máy… đang “khát” nhân lực trầm trọng. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm kỹ sư mỗi năm nhưng không “đào” đâu ra nguồn tuyển.
Song, khó khăn nhất phải kể đến là khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp. Nhiều năm trở lại đây, điểm chuẩn đầu vào các ngành này đều thấp bằng điểm sàn nhưng nhiều ngành vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, có nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân được lý giải là do hiện nay nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn tâm lý học ngành này ra trường phải xuống ruộng, lội bùn, làm các công việc nặng nhọc nên ngại không dám đăng ký học. Tromg khi hiện nay cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng đào tạo về nông-lâm-ngư nghiệp, số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường hàng năm không đáp ứng nổi nhu cầu xã hội.
Vai trò của hướng nghiệp
Trước tình trạng “khủng hoảng thừa” nhân lực khối ngành kinh tế-tài chính-ngân hàng, khoa học cơ bản, trong đó có các ngành xã hội đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của thí sinh. Tuy nhiên, qua các buổi tư vấn tuyển sinh ở các trường THPT trên địa bàn thành phố, ghi nhận cho thấy phần đông học sinh vẫn còn lạ lẫm với tên gọi nhiều ngành khoa học cơ bản.
Còn nhớ cuối buổi tư vấn tuyển sinh của Trường THPT Marie Curie, một nam sinh lớp 12 đã rụt rè đặt câu hỏi với hội đồng tư vấn: “Em thích đọc và nghiên cứu các vấn đề về địa lý, hành tinh, vũ trụ nhưng không biết học ngành bản đồ-viễn thám có phù hợp? GIS là gì? Sao lại được đặt tên một chuyên ngành của Khoa Địa lý?”, “Khoa học vật liệu là gì?”, “Vật lý lý thuyết có liên quan đến các vấn đề ứng dụng?”.
Hay một số câu hỏi liên quan đến thực tế nghề nghiệp như học ngôn ngữ ra trường sẽ làm gì; một số ngành đặc thù như triết học, khảo cổ, SV ra trường phải tự kiếm việc làm hay được đặt hàng trước từ các cơ quan nghiên cứu… Riêng ở nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp, nhiều bạn thắc mắc ra trường nếu không được các sở, ngành địa phương tuyển dụng thì xin việc ở đâu, thu nhập trung bình bao nhiêu, có phải thường xuyên đi công tác.
Qua đó cho thấy sự phân ngành đào tạo ở ĐH hiện nay vẫn còn xa lạ đối với nhiều thí sinh khiến các em băn khoăn khi chọn ngành, nghề phù hợp. Nhiều em trong số đó chỉ chọn ngành theo tâm lý số đông hoặc do chi phối từ gia đình mà bỏ qua yếu tố phù hợp với năng lực, sở thích bản thân. Đây là điều hết sức nguy hiểm, gây ra lãng phí lớn về đào tạo nhân lực cho xã hội.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp ở nước ta hiện nay còn nhiều bất ổn. Trong khi ở các nước phát triển, học sinh được định hướng nghề ngay từ cấp 2. Ngay khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, thay vì học lên trung học phổ thông như một điều tất yếu, nhiều em đã rẽ hướng học nghề và thành công vì điều đó. Còn ở nước ta, công tác tư vấn hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh gần như bị nhập làm một, thường được luân phiên tổ chức vào đầu học kỳ 2 lớp 12, cách thời hạn tuyển sinh chưa đầy 5 tháng. Điều đó khiến nhiều em không có đủ thời gian đầu tư kiến thức và hiểu biết cần thiết trong việc lựa chọn ngành, nghề.
Thêm vào đó, với tần suất xuất hiện dày đặc của các đơn vị tuyển sinh khối ngành kinh tế, học sinh gần như không còn cơ hội tiếp cận các ngành lao động đặc thù khác như nông nghiệp, hải dương học, kỹ sư cơ khí, khoa học kỹ thuật... Từ đó dẫn đến việc lựa chọn nghề nghiệp còn khập khiễng. Do đó, vai trò hướng nghiệp ở trường phổ thông hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc phân bổ lại lao động xã hội.
THU TÂM