Tuyển sinh lớp 10 - Bi hài... trúng tuyển!

Vòng luẩn quẩn

Cuộc đua vào lớp 10 năm nay bớt gay cấn, vì có đến 7 quận, huyện xét tuyển. Không còn cảnh PHHS nhốn nháo xếp hàng chờ giải quyết nguyện vọng (NV) ở phòng tiếp dân của Sở GD-ĐT nhưng vẫn có những tâm tư, âu lo ở các trường, dù rằng học sinh (HS) được trúng tuyển. Vì sao?

Vòng luẩn quẩn

Danh sách trúng tuyển của Trường THPT Thalmann vừa dán lên, nhiều PHHS chen nhau tìm kiếm tên con em mình. Ngồi thu lu một góc cách xa đám đông náo nhiệt, nét mặt em Khương Duy nhìn buồn thảm với đôi mắt rươm rướm. Em nói: “Dù em trúng tuyển nhưng trường này không có bạn em đăng ký học nên em thấy buồn quá! Rồi em sẽ quen bạn mới, trường mới thôi, nhưng rất khó thích nghi với quãng đường xa vì nhà em ở tuốt đường Bà Hom quận 6, còn Trường Thalmann lại ở quận 1”. “Vậy sao em không đăng ký ở trường gần nhà?”. Lấy tay gãi gãi đầu, Khương Duy bối rối: “Tại em muốn đăng ký vào Trường Thalmann cho chắc ăn đậu”.

Điểm chuẩn vào Trường THPT Thalmann là 24,25 điểm, một mức điểm “dễ chịu” đối với nhiều PHHS nhưng không phải tất cả đều hân hoan khi đón nhận tin con mình trúng tuyển. Những em đạt 34,5 hay 36,5, tức dư 10 điểm so với điểm chuẩn của trường như V.A, P.H, T.Q, X.T… thì tiếc hùi hụi.

Trường hợp “trường gần không trúng mà trúng trường xa” là nuối tiếc nhất. Như trường hợp của em Lê Khánh Nguyên đạt 28,75. Em rớt NV1 ở Trần Khai Nguyên, đậu NV2 ở Thalmann, trong khi NV của gia đình muốn con học ở THPT Thanh Đa, Bình Thạnh. Tuy nhiên, Khánh Nguyên đậu NV2 ở Thalmann nên sẽ không được xét tiếp NV3, dù NV3 dư điểm và gần nhà. Bởi, khi hướng dẫn chọn trường, giáo viên đã khuyên HS tuân theo nguyên tắc: điểm của trường NV3 thấp hơn điểm của NV1, 2.

Dù Sở GD-ĐT nhấn mạnh trong lúc tư vấn, PHHS nên cân nhắc cự ly đi lại trước khi chọn trường, không nên cho con đi xa nhưng PHHS thường chọn NV với mục tiêu thực tế phải đậu công lập, do vậy, khi con trúng tuyển, cha mẹ lại dở khóc, dở cười. Cầm điểm chuẩn của trường trên tay, má em Trần Trọng Khương thấy chóng mặt vì con mình “bị đậu” ở một trường quận 11, trong khi nhà lại ở quận 3. Dù con trúng tuyển nhưng nhìn “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, không ai đưa đón con đi học mà nếu con đi xe đạp thì không thể yên lòng.

Đổi mới - bao giờ?

Điểm chuẩn vào lớp 10 như một vòng tròn đuổi bắt, mơ ước của người này lại là thất vọng của người khác. Hơn 10.000 HS không trúng tuyển phải chạy đôn, chạy đáo tìm trường. Hoặc người trúng trường A nhưng không hài lòng mà muốn con phải vào được trường B. Tâm lý “cỏ nhà người xanh hơn” rơi vào những trường hợp điểm cao mà “bị đậu” trường lấy điểm không cao. Và thế là những toan tính “chạy trường” xuất hiện như trường hợp của ông H.L, quận 1. Con ông đậu vào một trường ở quận 3 và dư tới 8,5 điểm. “Mấy bữa nay tôi chạy nhiều nơi quen biết để vận động cho con được học trường khác phù hợp với điểm chuẩn của cháu hơn”, ông H.L nói.

Điền 3 NV vào trường là một “ẩn số”, là bài toán khó giải với nhiều PHHS. Cho dù đậu, PHHS “tâm không phục” thì rõ ràng cần phải cải tiến kỳ tuyển sinh lớp 10 để người trúng tuyển yên tâm với sự lựa chọn, đặc biệt để HS không phải đi học xa. Ngành GD-ĐT mong muốn TP sẽ có thêm nhiều trường mới để mỗi quận có thể thực hiện xét tuyển, giảm tính chất căng thẳng của tuyển sinh 10. Tuy nhiên, năm học 2009 – 2010, TPHCM không có một trường THPT nào được xây mới.

Trong khi chờ đợi xét tuyển lớp 10 đại trà, ông Nguyễn Đình Thịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám đề xuất một phương án khả thi: Cách chọn NV vẫn theo hướng của Sở GD-ĐT, tức mỗi HS được chọn 3 NV. Tuy nhiên, HS quận nào chọn trường trong quận đó. Quận nào cũng có trường tốp điểm cao, tốp điểm giữa và tốp dưới nên phù hợp với nhu cầu chọn trường của PHHS. Điểm số mỗi trường phụ thuộc vào tổng chỉ tiêu của quận, vào chỉ tiêu/số HS đăng ký của trường, vào chất lượng HS và xét tuyển theo phương thức “rớt sàng sẽ lọt xuống nia”. HS không đạt điểm chuẩn, tức nằm ngoài khả năng thu nhận của toàn quận sẽ phải ra học ngoài công lập. Phương thức này hạn chế được tính may – rủi trong 3 NV, đặc biệt sẽ không còn trường hợp HS điểm cao không trúng tuyển trường nào, như mùa tuyển sinh năm nay vẫn còn hơn 100 em điểm cao mà rớt.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục