Dù địa phương nào cũng khẳng định đã có hành động cụ thể, đã phát hóa chất diệt khuẩn đến từng hộ gia đình có trẻ nhỏ và rầm rộ tuyên truyền nhưng không hiểu sao dịch bệnh tay-chân-miệng vẫn tăng phi mã. Quả thực, con số 81 ca tử vong trong số hàng ngàn trẻ mắc tay-chân-miệng (và đang có xu hướng gia tăng) đang khiến người ta nghi ngờ năng lực phòng dịch của lực lượng y tế dự phòng.
Tại hội nghị tăng cường phòng chống dịch tay-chân-miệng vừa qua, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói đã triển khai đủ loại kế hoạch từ tuyên truyền đến phát hơn 50 tấn hóa chất Cloramin B diệt khuẩn, cùng việc giám sát chặt các ổ dịch… và như thế với cách thức “chủ trương một, biện pháp mười”, tưởng chừng dịch sẽ thoái lui, song không ngờ dịch vẫn… hoàn dịch. Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói phải chăng việc chống dịch thì “nóng” ở cấp lãnh đạo khi liên tục ra chỉ thị nhưng lại “nguội” lạnh ở cấp dưới thực thi.
Với trên 7.300 ca mắc, 22 ca tử vong, TPHCM đứng đầu cả nước về dịch bệnh tay-chân-miệng, nhưng khi Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM đi giám sát ở các quận huyện “nóng” về dịch bệnh này như quận 8, Bình Chánh thì báo cáo nghe “ngọt” lắm, song thực tế vẫn không kiểm soát nổi dịch bùng phát.
Quận, huyện nào cũng báo cáo phát tờ rơi tuyên truyền, phát Cloramin B chu đáo nhưng khi được hỏi có giám sát việc am hiểu, sử dụng không thì đều à ơi rằng chỉ độ 40%-50% số hộ có trẻ dưới 5 tuổi sử dụng. Cho nên có phát Cloramin B 50 tấn hay 100 tấn thì cũng chẳng mấy kiềm chế được dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, mỉa mai rằng nó vậy là bởi chống dịch dàn hàng ngang, kiểu nào cũng làm mà làm không đến nơi, không đúng trọng tâm. Còn tổ chức các buổi truyền thông cho dân tại các tổ dân phố thì người đi, người không, mà hầu như các cụ đi là chính còn các mẹ thì ở nhà. Vậy nên, có tuyên truyền nhưng không thấm vào đâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định công tác tuyên truyền chưa tới, chưa đi sâu. Mỗi chuyện tuyên truyền rửa tay thường xuyên thôi cũng chưa làm người dân ý thức. Trong khi đó, hình thức tuyên truyền trực quan sinh động là các đài truyền hình thì cứ đến “giờ vàng” là tranh thủ quảng cáo, các địa phương theo quy định trích 30% nguồn ngân sách y tế cho phòng dịch thì cũng không trích đủ, thậm chí bóp chẹt kinh phí tuyên truyền. Đã thế tờ rơi phát xuống chưa kịp đến tay người dân đã bay xuống cống, hóa chất phát ra thì dân không biết cách sử dụng. Vậy nên có trường hợp đau lòng là giáo viên mầm non ở tỉnh Bình Dương đem hóa chất Cloramin B trộn vào cháo cho trẻ ăn chỉ vì cán bộ trạm y tế tư vấn… qua điện thoại.
Thực tế cho thấy, các năm qua tình hình dịch bệnh ở nước ta ngày càng phức tạp. Vậy nhưng nguyên tắc cơ bản “phòng” là chính thì gần như các địa phương còn lắm lơ là. Trong đó, công tác truyền thông có vai trò quan trọng thì không làm triệt để, hướng dẫn sử dụng hóa chất thì làm cho có lệ. Dân nghe không tới tai, thấy không tận mắt nên cứ mặc kệ. Khẩu hiệu “vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần” của ngành y tế để phòng ngừa dịch bệnh nghe hay nhưng chung chung quá, thử hỏi đã mấy phần hộ dân thực hiện. Trong khi chỉ cần một khẩu hiệu đơn giản và dễ dàng thực hiện được cho mọi người, mọi gia đình để có thể ngăn ngừa nhiều dịch bệnh là rửa tay thường xuyên bằng xà bông thì chưa mấy được truyền cho thông.
Rửa tay ở nhà, ở trường, ở công sở, mỗi ngày vài lượt, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, là đã giảm nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Chẳng vậy mà nhiều nước trên thế giới đã có thói quen hễ ở mỗi trạm xe buýt, mỗi văn phòng, ngân hàng, quán ăn đều có bồn rửa tay và xà bông sẵn sàng. Còn nhìn lại ở nước ta, liệu đã mấy nơi đã thực hiện?
TƯỜNG LÂM