“Một nam sinh lớp 8 tên Nam rủ ba bạn cùng lớp chặn đánh bạn học cùng trường tên Hoàng vì tội dám chọc ghẹo bạn gái của mình, nhóm của Nam chưa kịp ra tay thì bị Hoàng cùng một số bạn bè dùng hung khí tấn công lại. Trong lúc đánh nhau, Hoàng cầm dao đâm Nam chết. Hoàng có chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình?”. Không khí trong hội trường của Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3 TPHCM “nóng” hẳn lên sau khi tình huống được đặt ra.
Học luật sinh động
Chờ các em học sinh nêu hết đáp án, thượng úy Nguyễn Văn Lợi, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TPHCM, giải thích: Hành vi của Hoàng phạm vào tội “Giết người” theo điều 93 Bộ luật Hình sự, là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây tác hại lớn cho xã hội. Theo quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lúc xảy ra vụ án Hoàng đã 15 tuổi nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình gây ra.
Cả hội trường hào hứng theo dõi những tình huống phạm luật có khả năng xảy ra tại học đường được thượng úy Lợi giải đáp một cách dí dỏm, sinh động thông qua việc mời một số học sinh lên sân khấu minh họa. Nhờ vậy, các em biết rằng nếu nhặt được điện thoại di động (hay bất cứ tài sản có giá trị lớn nào) của bạn nhưng giữ lại, yêu cầu bạn phải đưa tiền chuộc mới trả thì sẽ có dấu hiệu phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo điều 141 Bộ luật Hình sự. Còn nếu lợi dụng sơ hở để lấy điện thoại di động bạn cất trong cặp xách, để trong ngăn bàn thì sẽ phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” theo điều 138 Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, trường hợp sau khi lấy điện thoại di động, mở ra thấy những hình ảnh, clip nhạy cảm của bạn mà lợi dụng điểm yếu này để khống chế, buộc bạn đưa tiền thì dù chỉ 1.000 đồng cũng phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 135 Bộ luật Hình sự.
Những kiến thức pháp luật tưởng như khô khan lại trở nên gần gũi, dễ nhớ và được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng. Em Mai Văn Khải (học sinh lớp 10A3) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em được học luật theo hình thức này, rất vui. Những gì các anh công an dạy nãy giờ thật sự có ích đối với tụi em. Biết luật rồi, tụi em sẽ tránh phạm tội”.
Nhân rộng mô hình
Buổi học luật dưới hình thức tương tác, giao lưu diễn ra gần đây tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, quận 3 TPHCM là một trong những buổi tuyên truyền pháp luật nằm trong công trình thanh niên “Tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng chống tội phạm và bạo lực học đường” do Đoàn TNCS Công an TPHCM thực hiện. Thông qua những buổi học luật đầy sinh động dưới hình thức ngoại khóa, sinh hoạt chính trị đầu năm học hay lồng ghép trong buổi chào cờ đầu tuần, kiến thức pháp luật tưởng như khô khan lại trở nên gần gũi, dễ nhớ và được các em học sinh tiếp thu nhanh chóng.
Cô Bùi Xuân Kim Sa, giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên trường phối hợp với Công an TP tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu luật theo hình thức giao lưu. Các anh công an vừa nắm rành luật vừa có kinh nghiệm phòng chống tội phạm nên giảng dạy cho các em rất hiệu quả. Ở độ tuổi mới lớn này, các em dễ xảy ra va chạm, xích mích, nếu hiểu luật thì các em sẽ hạn chế ẩu đả gây thương tích cho nhau”.
Anh Phạm Văn Đảm, Phó Bí thư Đoàn TNCS Công an TPHCM cho biết: “Công trình thanh niên “Tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng chống tội phạm và bạo lực học đường” được tổ chức nhằm định hướng cho thanh thiếu niên (các em học sinh từ 13 tuổi trở lên) không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, không tụ tập băng nhóm để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi tuyên truyền những kiến thức cơ bản về pháp luật để các em nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, không bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo hoạt động phạm tội; đồng thời hướng dẫn các em kỹ năng phòng ngừa tội phạm và kỹ năng phòng vệ chính đáng để có thể thoát khỏi tình huống nguy hiểm nếu gặp phải. Sau một thời gian triển khai có hiệu quả, sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh và nhân rộng mô hình này tại các trường THCS, PTTH, cao đẳng... ở 24 quận, huyện”.
Ái Chân