Tuyên truyền PCCC cho người bán hàng rong, xe ôm

Tại hội trường UBND phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), một cảnh sát PCCC quận kể vụ một người đàn ông trạc 40 tuổi mải xem bóng đá trên tivi, quên lời vợ dặn trông bếp trong khi vợ đi chợ, dẫn đến cháy nhà. Sau khi dập tắt ngọn lửa, Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 chỉ ra nguyên nhân bất cẩn của người đàn ông dẫn đến cháy. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về an toàn PCCC trong việc sử dụng điện, sử dụng gas, cách xử lý khi xảy ra cháy, nổ… Đó là nội dung tiểu phẩm nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền cho công dân 18 tuổi trở lên tại các khu dân cư và trụ sở làm việc do Phòng Cảnh sát PCCC quận 1 tổ chức.

Bên cạnh đó, phòng còn xây dựng mô hình “xây dựng thế trận PCCC trong nhân dân 4 lớp theo phương châm 4 tại chỗ”. Ở lớp đầu tiên, khi xảy ra cháy, chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm xử lý, ứng phó kịp thời khống chế ngọn lửa. Sau đó, lớp thứ 2 bất kỳ người dân nào, từ bác xe ôm, người bán tạp hóa, hớt tóc, người bán bánh mì, đang sống xung quanh nơi xảy ra cháy phải có trách nhiệm phối hợp cùng nhau dập tắt đám cháy ngay ban đầu khi mới phát sinh bằng bất cứ phương tiện có thể chữa cháy. Sang lớp thứ 3, lực lượng khu phố phải có mặt kịp thời, cùng nhau ứng phó ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. Và cuối cùng, lực lượng PCCC của phường, lực lượng PCCC dân phòng, công an địa phương, lực lượng PCCC chuyên nghiệp đồng bộ phối hợp chữa cháy hiệu quả.

Trung tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 1 cho biết, bằng nỗ lực đổi mới phương thức tuyên truyền, đến nay, phòng đã xây dựng được 10 phường điểm về an toàn PCCC trên địa bàn quận 1 và quận 10. Các mô hình được lực lượng cảnh sát PCCC tuyên truyền, tập huấn đến các phường, giúp người dân nắm bắt các kiến thức, kỹ năng PCCC. Kết quả đã có rất nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn đã được người dân xử lý kịp thời không nhờ đến địa phương hay lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp.

NGUYỄN TRÍ CÔNG
Sở Cảnh sát PCCC TPHCM

Tin cùng chuyên mục