Tỷ phú… không tiền

Khi nghe tôi nhắc đến cái tên Trần Quang Phụ, những nông dân bên vựa tôm làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói về ông với lòng kính phục: “Đó là lão nông hành hiệp trượng nghĩa! Ông học lớp 4 nhưng chế tạo được nhiều máy móc hay lắm. Ông là tỷ phú… không tiền của làng An Xuân ni. Trong số những người ngồi đây, đa phần là con nợ của ông…”.

Máy làng “đấu” hàng Nhật

Trần Quang Phụ xuất thân từ làng quê nghèo ven phá Tam Giang. Cám cảnh nông dân chân lấm tay bùn mà năng suất vẫn không thay đổi, năm 16 tuổi, Phụ bỏ ruộng theo nghề cơ khí. Vừa mở xưởng riêng được hai năm, Phụ trình làng chiếc máy bơm nước. Những năm mới giải phóng, chiếc máy bơm trở thành cứu cánh cho hàng trăm hộ nông dân nghèo ven phá Tam Giang. Thấy chiếc máy hoạt động quá “ngon”, ông nhận khoán tiêu úng cho toàn bộ các hợp tác xã ở Quảng An. 1 tháng 14 ngày liên tục không ngủ, ông Phụ đã cứu hàng trăm ha lúa của bà con trong vùng. Người làng An Xuân lấy cái tên “Phụ máy bơm” để ghi nhớ thành công của ông từ ngày ấy.

Sau 35 năm, “thương hiệu” máy bơm nước Quang Phụ vẫn chiếm lĩnh vị trí “top ten” trên thị trường nông ngư cụ ở tỉnh TT-Huế. Giống như bao chiếc máy bơm khác, trị giá 2 triệu đồng (đắt hơn máy bơm Nhật 200 nghìn) nhưng nhiều khách hàng khẳng định, muốn mua máy bơm ông Phụ, phải đặt trước cả tháng trời. Mọi bí mật “công nghệ” đều được ông Phụ “giấu” ở lá quạt nước. Nắm trong tay công nghệ đặc biệt này, ông “thầu” luôn công việc hút bê tông làm móng cầu Bến Hải (Quảng Trị), cầu sông Gianh (Quảng Bình), máy hút bùn nạo vét sông Ngự Hà (Huế)…

Sở dĩ, nhiều đơn vị thi công tìm đến ông là bởi không có phương tiện nào hút được bê tông ở độ sâu 40m, chỉ khi có bàn tay “thần kỳ” của ông Phụ, máy móc mới phát huy hết các tính năng của nó. Cũng tuơng tự, máy xúc do ông Phụ “chế” từ sắt vụn vươn xa đến 10m, “tung hoành” tự do trên mọi vùng đất. Công suất máy tăng gần gấp rưỡi trong khi giá cả vẫn rẻ hơn máy xúc Nhật. Tay nghề có tiếng, với nhiều máy móc đặc hiệu như: xe ô tô “đồ cổ”, máy cày MTZ, tàu 200 mã lực trở lên ở Hải Phòng, Đà Nẵng… chủ hàng đều vời ông ra tận nơi sửa chữa.

Nghĩa hiệp của “nhà sáng chế”

Năm 2001, người làng An Xuân rộ lên phong trào nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm của vùng đứng nhất nhì huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế. Ông Phụ đảm nhận công việc cải tạo vùng hồ và hỗ trợ bà con trong công tác tháo nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm mùa tôm trúng lớn, ông Phụ thu nhập tiền tỷ.

Từ năm 2005 trở đi, người nuôi tôm vỡ nợ. Gia đình ông Phụ cũng bị vướng vào vòng “con tôm ôm sổ đỏ”. Một căn nhà của ông bị ngân hàng niêm phong. Ấy thế, so với nhiều người ở An Xuân, ông vẫn được gọi là tỷ phú, nhưng là tỷ phú… không tiền. Chỉ tính sơ sơ trong vòng hai năm trở lại đây, hơn 100 hộ dân mắc nợ tiền công sử dụng máy móc của ông.

Số nợ này lên tới gần 2 tỷ đồng, trong đó người nợ nhiều nhất là 270 triệu đồng. “Nhỡ người ta không trả tiền thì ông làm thế nào?”, tôi hỏi. Ông Phụ cười: “Toàn là bà con chòm xóm quanh đây, mình sáng chế được phục vụ người dân là tốt rồi. Khi nào làm ăn khấm khá, người ta trả chứ có chạy làng mô mà sợ”. Không đủ vốn để nuôi xưởng cơ khí của mình, ông Phụ tìm nhận phụ trách thiết bị nạo vét, hút bùn đất cho những  công trình lớn trong và ngoài tỉnh.

Một dạo, tiếng tăm ông nổi như cồn trên các tờ báo bởi một mình ông ôm đơn đi kiện ngân hàng nông nghiệp huyện ký khống giấy tờ cho vay. Hàng trăm hộ nghe vậy sực tỉnh lục lại khế ước, mới tá hỏa tất cả đều là “nạn nhân” như ông Phụ. Đổ công sức, tốn giấy mực, ông đi khắp các cơ quan chức năng quyết tâm làm rõ trắng đen cho mình và cho người làng. Người dân lại biết thêm một hành động “trượng nghĩa” của ông Phụ.

Ông bảo: “Nhà nông làm ra đồng tiền cực lắm, tui cũng vì cám cảnh chân lấm tay bùn nên mới ngày đêm sáng chế máy móc thay thế sức lao động con người. Không giúp thì chớ, ai đời lại đổ nợ (ý nói ngân hàng - PV) khi người ta không vay. Sống chết gì tui cũng phải làm tới cùng!”, ông vừa nói vừa chém tay vào không khí, bàn tay gầy guộc loang lổ những vết bỏng, vết cắt ghi dấu của những lần lắp ráp, thử nghiệm máy móc.

An Ninh

Tin cùng chuyên mục