Đơn cử, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có hàng trăm hộ gia đình làm nước mắm truyền thống. Những người có vốn cùng nhau mở hơn 20 doanh nghiệp đăng ký hành nghề sản xuất, kinh doanh nước mắm. Đại diện Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cho biết, tất cả các hộ sản xuất, doanh nghiệp làm nước mắm ở đây đều tuân thủ quy trình làm mắm gia truyền của vùng. Bên cạnh đó, nước mắm truyền thống có được chỗ đứng trên thị trường là nhờ giữ được quy trình sản xuất tinh túy.
Với hơn 40 năm trong nghề, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, cho rằng chất lượng của mắm truyền thống được quyết định bởi 3 yếu tố: nguyên liệu, quy trình sản xuất và con người. Nhờ vào cách chọn lựa nguyên liệu, quy trình ủ hương ướp chượp từ kinh nghiệm của các nghệ nhân truyền lại, kết hợp cùng sự tiến bộ của khoa học, những người làm mắm truyền thống có thêm điều kiện cho ra sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, quá trình tiến đến xuất khẩu nước mắm sang thị trường Canada, đưa hàng vào hệ thống siêu thị nước này, đòi hỏi Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang áp dụng chương trình Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO 22000, được tổ chức BSI vương quốc Anh đánh giá cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cấp mã code đủ điều kiện để xuất khẩu nước mắm ra thị trường quốc tế.
Còn theo các doanh nghiệp, hiện Canada là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam, do nước này nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm lớn thứ 6 thế giới với rất nhiều chủng loại hàng hóa từ hơn 190 nước. Tuy nhiên, Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) đã đặt ra rất nhiều quy định khắt khe với mức độ kiểm tra, giám sát khác nhau về an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam muốn tăng khả năng thành công và mở rộng thị trường tại Canada, phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện và tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm mà CFIA đặt ra.