Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, năm 2015 chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán được coi là kỷ lục trong 10 năm qua.
Hạn hán đã bắt đầu xảy ra từ đầu năm 2015 và riêng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, tình trạng khô hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới tháng 9-2015. Những năm gần đây, chúng ta đã thoát khỏi sự đe dọa của những trận “đại hồng thủy” như nhiều năm về trước, nhưng dường như thảm họa thiên tai vẫn không chịu “ngủ yên” mà khoảng từ năm 2008 trở lại đây, tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng liên tục lặp lại vào mùa khô.
Đành rằng theo như nhận định của các chuyên gia khí tượng, thời tiết và thiên tai có tính chu kỳ chứ không phải là hiện tượng bất thường, nhưng một thực tế là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không còn chỉ tác động tới “mớ rau bó lúa” của người nông dân mà đã và đang ảnh hưởng trên diện rộng tới nhiều mặt của đời sống, như nắng nóng làm nhiều người đổ bệnh, giá cả thực phẩm gia tăng, hạn hán gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện năng, đình trệ hoạt động giao thông vận tải thủy, lũ ống lũ quét tàn phá công trình và cướp đi sinh mạng nhiều người…
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì trong mùa mưa năm 2015 do ảnh hưởng của El Nino cường độ trung bình nên số lượng cơn bão trên biển Đông sẽ giảm khoảng 2 - 3 cơn so với mọi năm. Thế nhưng, đó không phải là tin vui vì lượng bão giảm sẽ làm tăng nguy cơ khô hạn, thiếu nước và nền nhiệt độ được dự báo sẽ tăng hơn mọi năm khoảng 0,5 - 10C. Hạn hán thường xảy ra vào thời kỳ cao điểm từ tháng 11 - 12 năm trước tới tháng 3 - 4 năm sau nhưng gần đây, biên độ thời gian kéo dài hơn, từ tháng 3 - 4 đến tháng 9. Tại miền Trung, gần như quanh năm đối mặt với hạn nặng hoặc bão lũ. Theo quy luật thì cứ sau mỗi đợt hạn hán nặng thì sẽ có những đợt lũ lớn nguy hiểm. Sự mất cân bằng về khí hậu luôn gây ra các trạng thái cực đoan, dị thường.
Từ lâu nay chúng ta đã quá hiểu rằng, đất nước chúng ta là đất nước “sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa”. Việt Nam là nước nông nghiệp, đang dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ứng phó thiên tai càng trở nên quan trọng. Nhưng cho đến nay, chúng ta dường như vẫn đang đứng chông chênh trước câu hỏi ứng phó thiên tai, ngăn chặn thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào…
Đối với tình hình ngập lụt, sạt lở núi và lũ quét chủ yếu xảy ra ở khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên… thì hiện Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT đã cơ bản hoàn thiện bản đồ dự báo các vùng, điểm có nguy cơ cao và thường xảy ra để chủ động cảnh báo và phòng tránh. Nhưng riêng với tình trạng hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền Trung kéo dài từ Nghệ An - Hà Tĩnh tới Ninh Thuận, Bình Thuận… và Tây Nguyên thì vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.
Xoay quanh hai chữ “thiên tai” có quá nhiều việc cần phải hành động nhưng chúng ta có thể giải quyết hiệu quả từng phần. Chẳng hạn như cần tăng cường chỉ đạo kế hoạch xả nước từ các hồ chứa, tăng cường xây dựng hồ chứa thủy lợi gắn liền quy hoạch hợp lý về địa điểm cũng như mức độ an toàn lâu dài, nhất là ở khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên; cũng như điều tiết nhịp nhàng kế hoạch cắt lũ - xả nước chống hạn tại các dự án hồ thủy điện có cân đối với nhu cầu, kế hoạch sản xuất điện để tháo gỡ khó khăn về hạn hán. Nhưng bên cạnh đó cũng cần một giải pháp bền vững tổng thể hơn là việc quy hoạch và định hướng cho bà con nông dân tại những vùng dễ xảy ra thiên tai, hạn hán chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây dài ngày sang ngắn ngày, hoán đổi một phần diện tích đất lúa sang ngô và cây ăn trái, cây công nghiệp… để giảm nhu cầu về nguồn nước, đảm bảo mùa vụ và thu nhập. Song chuyển đổi như thế nào, ở đâu thì lại cần có vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc khảo sát và quy hoạch, không thể để mặc nông dân.
Thảm họa thiên tai đang ngày càng tác động lên nhiều mặt của đời sống và sản xuất trên diện rộng. Chính phủ đang rất quan tâm tới yêu cầu này thông qua hàng loạt mục tiêu, chương trình chiến lược quốc gia về giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu… Tuy nhiên không chỉ là những chủ trương chính sách mà cần có những dự án quy mô, cụ thể và khả thi hơn, có tính thực tế, hiệu quả lâu dài như trồng rừng ngập mặn ở miền Trung và Nam bộ, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn ở miền Trung và Tây Nguyên, xây dựng đê sông, đê biển ngăn lũ ở các tỉnh duyên hải Trung Trung bộ và Nam Trung bộ - ngăn nước biển dâng ở Nam bộ, xây hồ chứa thủy lợi nhỏ ở Tây Nguyên… cũng như tích cực học hỏi và áp dụng mô hình của các nước đã triển khai rất thành công về ứng phó biến đổi khí hậu.
VĂN PHÚC