Ứng xử với lễ hội

Có nhà nghiên cứu nói vui rằng nếu thống kê số lượng, chúng ta thuộc hàng quán quân lễ hội! Cả nước có trên dưới 9.000 lễ hội, trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài và không ít lễ hội mới hình thành… Nét sinh hoạt cộng đồng này, lẽ ra mang giá trị văn hóa tinh thần trọn vẹn để tạo đà cho một năm mới, nhưng ngày càng có gì đó không ổn trong cách thức quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội mà mọi người hay dùng từ mặt trái để chỉ về nó.

Đầu năm nói chuyện mặt trái có lẽ là điều không thuận tai lắm. Nhưng mỗi năm qua đi, những giá trị văn hóa càng mất dần và thay vào đó là sự “tha hóa” khiến nhiều lễ hội không còn là không gian của lễ và hội truyền thống nữa, thì bàn luận nhiều về điều này cũng là điều cần thiết.

Đi dọc đất nước, nơi nào cũng có lễ hội. Trải dài trong năm, mùa nào cũng có lễ hội. Nhưng tháng giêng được xem là mùa lễ hội bởi sự đa dạng về số lượng và loại hình. Có lễ hội chỉ diễn ra trong ngày, nhưng có những lễ hội kéo dài nhiều tháng. Có lễ hội trong phạm vi làng xã, có lễ hội mang tính phổ biến hơn, nhưng xu hướng là lễ hội ngày càng được khuếch trương với nhiều mục đích khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, thực chất nguồn gốc lễ hội xuất phát từ hội làng dân gian. Hội là một không gian và thời gian chứa đậm đặc năng lượng thiêng của vũ trụ, nên mọi người không phân biệt sang hèn đều đến với hội để được đắm mình trong năng lượng thiêng đó. Nhưng qua thời gian, hội làng dân gian trở thành lễ hội ngày nay cùng với sự hiểu biết về lễ hội ngày càng mai một của người tổ chức lẫn người tham gia khiến cho cái gọi là mặt trái ngày càng nhiều hơn.

Đầu mùa lễ hội năm nay, cụm từ “dung tục hóa” đã được nâng lên thành “phỉ báng thánh thần” để đặt tên cho các hành vi kém văn hóa, thiếu hiểu biết về lễ hội của không ít người tham gia. Ở các đình chùa không còn là vàng mã mà tiền thật đã được người ta nhét đầy vào các pho tượng, lư hương. Ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), người ta còn nhét cả tiền vào miệng các tượng La Hán với cách hiểu có như vậy Phật mới… sử dụng được và sự phò độ sẽ hiệu nghiệm hơn!

Ở Đền Trần, người ta đã dùng từ loạn ấn để nói về sự đáp ứng của ban tổ chức với đức tin ngày càng lớn về con đường thăng quan tiến chức của một bộ phận lớn người đi lễ hội. Đường lên chùa Hương thì vẫn không thưa vắng hàng quán thịt rừng. Hội Lim dù đã được ban tổ chức cố gắng khắc phục những thiếu sót, sai lệch mà dư luận đã góp ý nhiều năm trước thì năm nay lại diễn ra với một biến tướng mới khi liền anh liền chị vừa hát vừa ngã nón nhận tiền.

Đó là những lễ hội lớn tầm quốc gia, còn những lễ hội nhỏ hơn, phạm vi hẹp hơn cũng không tránh khỏi cảnh nhếch nhác, xô bồ, biến dạng. Một nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét rằng những điều đó sinh ra từ tính vụ lợi vật chất mà các nhà tổ chức vô tình hay cố ý đưa vào để lễ hội mang màu sắc… hiện đại hơn.

Một quốc gia có nhiều lễ hội sẽ cho thấy bề dày truyền thống văn hóa của nơi ấy, đó là điều rất đáng tự hào. Nhưng để niềm tự hào ấy nguyên vẹn thì nên có cách ứng xử thích hợp với lễ hội. Có những quốc gia rất ít lễ hội, nhưng khi nhắc đến là nhiều người biết ngay đến lễ hội của họ. Chúng ta rất muốn có những lễ hội mang “thương hiệu” như vậy để quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút khách du lịch, mở rộng giao lưu văn hóa… nhưng vẫn chưa làm được.

Trong khi đó, hiện tượng thương mại hóa, dung tục hóa lễ hội lại “phát triển” rất nhanh khiến cho mục đích bảo tồn hay phát triển đều có vấn đề. Thật khó để trả lễ hội trở về với hội làng dân gian, nhưng để tiếp tục không làm mất đi nét văn hóa truyền thống thì không nên quản lý, tổ chức lễ hội theo kiểu “khuếch trương thanh thế” như hiện nay. Sự dung tục hóa phơi bày bởi các ứng xử sai lệch của người tham gia lễ hội, nhưng nó cũng bắt nguồn từ cách quản lý, tổ chức không phù hợp ấy.

Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục