
Người dân làng Tà Lang vốn rất tự hào về con suối bao quanh ngôi làng của mình. Thế những giờ đây, mỗi khi mùa lũ về thì con suối hiền hòa kia lại trở thành nỗi kinh hoàng của bà con, đặc biệt là đám trẻ hàng ngày phải qua con suối để đến trường ...

Bà con thôn Tà Lang qua suối để nhận gạo của nhà nước.
Tà Lang là thôn xa nhất của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hiện có 72 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Nơi đây có một con suối ôm chặt lấy làng. Muốn đến với làng, phải vượt qua con suối có chiều rộng khoảng 400m. Hàng trăm học sinh cấp II của thôn hàng ngày đến trường phải đi qua con suối này...
Ông Trần Văn Nam, trưởng thôn Dàn Bí - một thôn nằm cạnh thôn Tà Lang cho biết: Mùa khô, nước suối cạn nên người dân còn lội qua được. Nhưng đến mùa mưa, nước lũ dâng cao thì thôn Tà Lang bị cô lập như một ốc đảo. Chẳng hạn như đầu mùa lũ năm 2000, có trường hợp bệnh nhân Hồ Tà Kênh bị đau ruột thừa nhưng phải chết, mặc dù trạm y tế chỉ nằm bên kia con suối. Không chỉ có những người đau ốm phải chết “oan” mà còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào mùa mưa như dạo tháng 2-2006, một nhóm thanh niên du lịch của TP Đà Nẵng về đây khi đi qua suối đã bị nước cuốn chỉ cứu được 3 người, còn 5 người thiệt mạng
Ông Nguyễn Ngưng, phó Chủ tịch xã Hòa Bắc cho biết thêm: “UBND xã đã nhiều lần kiến nghị với thành phố về việc đầu tư xây dựng một chiếc cầu bắc qua con suối này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời. Xã chỉ có giải pháp trước mắt để giảm sự nguy hiểm cho bà con trong thôn về mùa lũ, thông qua việc lắp cho thôn Tà Lang một chiếc điện thoại tại nhà ông trưởng thôn để liên lạc với chính quyền xã khi có lũ. Ngoài ra, xã cũng nghiêm cấm bà con trong thôn không được qua suối vào mùa lũ”.
Thiết nghĩ các ban ngành TP Đà Nẵng cần sớm có giải pháp để bà con yên tâm khi đi lại. Chừng nào chưa có cầu thì tính mạng của nhiều bà con trong thôn vẫn còn bị đe dọa mỗi khi đi qua suối.
Vũ Văn Thắng