Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm, những địa danh giờ đây không chỉ là niềm tự hào của người dân TPHCM, mà thực sự đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố, là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của thành phố tăng tốc, bước những bước dài trên con đường phát triển. Đại lộ, hầm… không chỉ làm mỗi việc đơn giản: giúp giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho thành phố mà nó đã mở ra và tiếp sức cho biết bao ước mơ vươn lên thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận.
Người xưa đã từng ước mơ, chỉ vài bước chân, sự cách trở hai bờ sông, sông Sài Gòn như liền một dải. Chỉ cách trung tâm thành phố một con sông, một con rạch Tàu Hủ - Bến Nghé nhưng nhiều năm trước cả một dải đất phía quận 2, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè… dường như tách biệt với cuộc sống hiện đại, sôi động của khu trung tâm. Dự án đại lộ Đông Tây được triển khai xây dựng với hàng loạt cây cầu được xây mới, khang trang, to đẹp bắc qua rạch Tàu Hủ - Bến Nghé như Khánh Hội, Calmette, Chữ Y…, đặc biệt hầm Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn đã đưa quận 2 cùng vùng đất phía Nam gần hơn với quận 1 và tạo một nguồn lực mới cho vùng đất gần như bị lãng quên một thời này, phát triển.
Ngay cả khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, chẳng ai dám chắc rằng nếu không có dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây hợp sức cùng một số dự án giao thông quan trọng khác như đường trục Bắc - Nam, đại lộ Nguyễn Văn Linh… lại có thể sôi động như ngày nay. Chính sự truyền lửa được thực hiện qua hình thức kết nối giao thông đã góp phần quyết định đến sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất này. Chẳng những dọc hai bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé không còn nhà lụp xụp ven kênh với điều kiện sống hết sức mất vệ sinh mà nhiều khu phố ở quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè… cũng đã được xây mới. Đa phần người dân sống trong các khu dân cư cũ xưa kia đã có điều kiện đi học, đi làm tốt hơn để tự mình có thể thay đổi cuộc sống của chính mình.
Từ giao thông, TPHCM đang thúc đẩy phát triển cụm cảng biển Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất như Tân Thuận, Hiệp Phước… giải quyết việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân tại chỗ. Rất nhiều người dân vùng đất phía Nam đã đổi đời nhờ có việc làm ổn định trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cùng hàng trăm hoạt động kinh tế khác. Đó là chưa kể đến đô thị mới Thủ Thiêm - một trung tâm kinh tế, văn hóa mới của thành phố, chắc chắn sẽ có thêm lực đẩy phát triển khi hầm Thủ Thiêm đi vào hoạt động.
Thế nhưng, để thành phố đẹp hơn, xanh hơn, TPHCM còn đang chuẩn bị cho sự ra đời của Quy chế quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây. Có quy chế này, việc xây dựng nhà cửa cũng như nhiều công trình kiến trúc nơi đây sẽ được tổ chức tốt hơn. Đại lộ Đông Tây vì thế không chỉ là một con đường, một động lực tiếp sức cho các vùng đất phía Nam thành phố phát triển mà còn là điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố, làm thành phố đẹp hơn, hấp dẫn hơn… và là nơi mà mỗi người dân có thể ước mơ được đến, được chiêm ngưỡng ít nhất một lần trong đời.
NG. KHOA